Hàng chục cây lâu năm bị đốn hạ
Thời gian gần đây, người dân xã Duy Phú (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) bày tỏ sự bức xúc trước việc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (gọi tắt BQL) chặt hạ nhiều cây lâu năm trong rừng phòng hộ cảnh quan ở khu bảo vệ cảnh quan di tích Mỹ Sơn (xã Duy Phú) đem bán, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Sự việc ngay sau đó được người dân địa phương phát giác, trình báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, mãi đến tháng 3.2021, UBND H.Duy Xuyên mới chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam vào cuộc xác minh.
Ông N.T.B (62 tuổi, ở xã Duy Phú) cho hay trước đây khu vực cây bị đốn hạ do người dân trồng từ năm 1994, thuộc dự án PAM 4304 (rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của Chương trình Lương thực thế giới) nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nông dân nghèo trồng rừng trên đất trống đồi trọc, giải quyết nhu cầu chất đốt, gỗ gia dụng và nâng cao năng lực phòng hộ của rừng, chống xói mòn, bảo vệ đất và cải thiện môi trường sinh thái. Sau đó, khu vực này được chuyển thành rừng phòng hộ cảnh quan Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn nên bị cấm khai thác, chặt hạ. “Khi quy hoạch thành rừng phòng hộ, người dân chúng tôi chấp hành và không khai thác đối với cây mình trồng lên. Tuy nhiên, sau đợt bão số 9 năm ngoái, BQL lại tự ý đốn hạ cây ở rừng phòng hộ, đem bán khiến chúng tôi không hiểu nổi”, ông B. nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tháng 12.2020, BQL ký hợp đồng mua bán tài sản với một hộ dân, tài sản bán là hơn 100 cây keo tai tượng bị ngã đổ do bão số 9, ven đường từ bãi đỗ xe nhà đôi đến tháp H, với giá bán hơn 180 triệu đồng, thời gian khai thác trong tháng 1.2021. “Trong đó có hàng chục cây lâu năm của rừng phòng hộ di sản Mỹ Sơn bị đốn hạ”, một lãnh đạo của BQL xác nhận.
|
“Sai sót đáng tiếc” (?)
Ông Phan Hộ, Giám đốc BQL, cho biết bão số 9 đã khiến khoảng 130 cây lớn nhỏ ở hai bên đường dẫn vào khu di tích Mỹ Sơn bị ngã đổ, ảnh hưởng đến lối đi, công trình kiến trúc. Để khắc phục nhanh, trả lại lối đi nguyên trạng cảnh quan tham quan, BQL thống nhất giao trách nhiệm cho công đoàn cơ quan tổ chức thu dọn các cây ngã đổ mà trước đây công đoàn trồng dọc hai bên đường đi tạo bóng mát, tận dụng kinh phí thu được trả nhân công và tổ chức phát động trồng thay thế bằng các loại cây bản địa, tuổi thọ lâu năm.
Theo ông Hộ, trong quá trình thu dọn, do chỉ chú tâm vào chuyện làm sao khắc phục nhanh hậu quả bão lũ, vì vậy so với các quy định về rừng thì ban chưa có báo cáo, xin phép đầy đủ, dẫn đến sai sót, đây là điều đáng tiếc. “Về mặt bản chất, chúng tôi không có tổ chức khai thác và cũng không có ý đồ chặt rừng để bán cây. Trong quá trình thu dọn, người mua đã chặt nhầm luôn cây ngã đổ trong rừng trồng của dân khiến họ bức xúc”, ông Hộ nói thêm.
Trong khi đó, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho rằng việc chặt hạ, thu dọn cây ngã đổ trong rừng phòng hộ cảnh quan khu di tích, dù với mục đích nào cũng phải làm phương án và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thu dọn cây khi chưa được phép là trái quy định. Đơn vị đã vào cuộc làm rõ và sẽ mời BQL làm việc.
Bình luận (0)