Người trẻ mong muốn được làm việc tại nhà
Chị Đỗ Thanh Loan (32 tuổi, đang làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM) viết lên trang cá nhân của mình về việc mong muốn được làm việc tại nhà trong thời gian này. Mục đích mà chị Loan đăng lên Facebook nhằm để “đánh tiếng”, gợi ý với cấp trên để được làm việc tại nhà trong bối cảnh gặp khó khi đi đổ xăng.
Theo chị Loan, trong những ngày qua, việc tìm cây xăng để đổ là điều vô cùng khó. Mỗi ngày chị phải ra đường với tâm trạng lo âu, không biết xe hết xăng khi nào. Còn muốn đổ được xăng phải mất rất nhiều thời gian, công sức mà bản thân không thể đáp ứng. “Chuyện đến chỗ làm, rồi về nhà, dọn dẹp, chăm con đã tốn rất nhiều thời gian của tôi. Còn giờ phải thêm thời gian chờ đợi đổ xăng nữa thì không biết đến bao giờ. Như vậy cũng làm giảm hiệu quả làm việc trong ngày”, chị Loan nói.
Làm việc tại nhà là xu hướng của mùa dịch năm ngoái |
p.t |
Cho nên, với chị Loan việc được làm việc tại nhà sẽ hợp lý với cá nhân và tính chất công việc của cô hiện tại. Loan chứng minh mỗi sáng thức dậy tinh thần tôi sẽ thoải mái hơn hoặc sẽ không bị trễ giờ làm nếu xe hết xăng. Đến cuối ngày cũng có thời gian chăm sóc gia đình hơn thay vì loay hoay tìm chỗ đổ xăng.
Phan Phú Mỹ (29 tuổi, ngụ đường Nguyễn Công Hoan, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng ủng hộ làm việc tại nhà trong giai đoạn khó khăn này. Bởi theo Mỹ, thời chuyển đổi số đã làm thay đổi cách làm việc của xã hội một cách nhất định. Giới trẻ, nhất là thế hệ Gen Z hiện nay cũng đã thích nghi với những biến động của xã hội, cho nên nhiều công ty cũng nên tính toán về hiệu suất làm việc hơn là phải có mặt ở công ty, tất nhiên tuỳ vào đặc thù mỗi công việc ra sao.
Xem nhanh 20h ngày 12.10: Lại có tin thất thiệt về ngân hàng SCB | Người TP.HCM thoát ám ảnh đổ xăng |
“Có thể nhìn lại trong đại dịch, nhiều người đã làm tốt công việc dù chỉ ở nhà. Vì vậy tôi thấy, việc đổ xăng khó khăn, mất thời gian của nhiều người thì việc cho nhân viên làm việc tại nhà không đáng bàn cãi. Điều này giúp người lao động chủ động hơn, thoải mái hơn thay vì tính toán làm sao đổ xăng để đến chỗ làm”, Mỹ chia sẻ.
Còn chị Trương Thị Bảo Trân (29 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng của một hãng Hàng không) cho biết rất e dè trong việc đi lại mỗi ngày. Chuyện đổ xăng, hết xăng giữa đường trở thành ác mộng với cô nhân viên văn phòng này.
Chị Trân cho biết: "Làm việc tại nhà thời điểm này cũng rất phù hợp. Tùy vào tính chất công việc, ngành nghề mà làm việc tại nhà có phù hợp hay không. Riêng Trân, việc đi làm ở văn phòng sẽ hiệu quả hơn trong việc trao đổi thông tin và liên kết giữa các phòng ban".
Trân chia sẻ: “Như trong giai đoạn dịch tôi đã duy trì được việc làm việc tại nhà, học được bài học tiết kiệm và trân trọng sức khoẻ. Chúng ta có thể thích nghi với cuộc sống biến động mọi lúc mọi nơi và mọi hoàn cảnh. Tùy thuộc vào việc chúng ta hoàn thành công việc ra sao. Do vậy, chia nửa làm việc ở nhà nửa làm việc ở công ty đến khi cuộc sống trở lại bình thường là tốt nhất”.
Người dân TP.HCM tạm thoát "nỗi ám ảnh đổ xăng" khi nhiều nơi mở bán trở lại |
Đạp xe đạp đi làm
Cũng lựa chọn kết hợp đi làm bằng xe máy và xe đạp đã 5 năm qua nên thời điểm khó mua xăng này với anh Lương Ngọc Duy (35 tuổi, huấn luyện viên dạy bơi ở Q.Bình Thạnh) cũng không cảm thấy khó khăn gì trong việc đi lại. Anh nói rằng những ngày qua đổ xăng được hay không thì đó không phải là vấn đề lớn.
Duy chia sẻ thêm, không phải đợi thời điểm khó khăn về xăng anh mới đạp xe. Anh đã chọn giải pháp ít đi xe máy, đạp xe đạp trong thời gian dài. Là một huấn luyện viên dạy bơi nên một ngày Duy đạp xe đi loanh quanh Sài Gòn tầm 25 km đến 40 km.
“Cho nên việc di chuyển trong thành phố bằng xe đạp cũng rất thú vị nhưng cũng phải tùy nhu cầu cũng như bản chất công việc của từng người, nên việc di chuyển bằng xe đạp hay xe máy trong thời điểm này tôi không khẳng định có hợp lý hay không nhưng với tôi nó khá thuận lợi vì không phải nghỉ đến chuyện đổ xăng”, Duy nói.
Bạn trẻ cho biết đi làm bằng xe đạp trong thời điểm này là hợp lý |
Ngọc duy |
Anh Duy mong rằng những người trẻ nên trải nghiệm thử đi làm bằng xe đạp trong điều kiện cho phép. Trong thời điểm khó khăn này, đạp xe đạp cũng là một lựa chọn không tệ, bởi lẽ người trẻ không cần nghĩ, mệt mỏi và lệ thuộc vào nơi đổ xăng. Người trẻ có thể chủ động hơn trong những tình huống không đổ được xăng, nhất là chủ động hơn trong mọi biến cố xã hội. Ngoài ra, đạp xe còn tăng sức khỏe, đầu óc được thư giản, bảo vệ môi trường. Nếu có đạp xe đi làm, đi lanh quanh thành phố, người trẻ cũng nên chuẩn bị nón bảo hiểm xe đạp, balo, áo mưa toàn thân và ít nhất một bộ đồ để thay, đèn trước sau cho xe đạp.
Đạp xe đi làm thay vì chật vật đổ xăng |
huỳnh ngư |
Trần Phương Thành (32 tuổi, nhân viên ngân hàng làm việc tại Q.5, TP.HCM) cho biết cũng đã chọn xe đạp để di chuyển trong những ngày sắp tới. Thành lấy ví dụ: “Những ngày chỉ làm việc ở văn phòng tôi sẽ đạp xe từ nhà đến ngân hàng. Ngược lại, ngày nào đi công tác, di chuyển nhiều sẽ đi bằng ô tô hay xe máy”.
Có như vậy, Thành mới tiết kiệm được thời gian, giảm nỗi bực dọc khi chờ đợi đổ xăng. Thành nói: “Không thể phủ nhận sự thuận tiện của xe máy và ô tô, dù xe đạp chỉ mang lại một phần lợi ích, như đi làm mà việc không gấp, không cần xăng, không ô nhiễm môi trường, sức khỏe. Tuy nhiên trong bối cảnh này đạp xe đạp đi làm, làm việc tại nhà với tôi cũng là một lựa chọn tốt hơn xe máy”.
Bình luận (0)