Chật vật giữ sân khấu sáng đèn

28/08/2018 07:34 GMT+7

Những người giữ vị trí đầu tàu của một số sân khấu kịch ở TP.HCM hiện nay đang phải tìm đủ mọi cách gồng gánh để duy trì hoạt động của điểm diễn.

Giám đốc bán vé và đi tiếp thị
Có người đã ngưỡng mộ gọi NSƯT Mỹ Uyên là “nữ chiến binh của sân khấu” cho những nỗ lực của cô trong việc thắp sáng lại ánh đèn của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (Sân khấu kịch 5B). Dùng tư cách cá nhân để vay tiền sửa sang lại nhà hát; kêu gọi diễn viên, nhân viên quay lại làm việc; tìm kịch bản, tìm người dựng vở… gần như tất cả các khâu để vận hành cho nhà hát hoạt động, nữ giám đốc này kiêm nhiệm hết. Có những lúc, người ta còn bắt gặp giám đốc không nề hà ngồi luôn phòng vé khi nhân viên bán vé bận việc hay nghỉ lễ.
Sân khấu 5B sáng đèn lại từ tháng 4 năm nay, khán giả yêu kịch thể nghiệm và không gian sân khấu đặc biệt của nơi đây đã lại có nơi lui tới. Ngoài các vở cũ được yêu thích như Gương mặt kẻ khác, Tình lá diêu bông…, nhà hát cũng dựng được 3 vở mới là Những giấc mơ lóng lánh, Trời trao của lạ và mới đây là Bên đàng dệt mộng.
“Từ lúc hoạt động lại nhà hát đến nay, mưa gió bão bùng, rồi thêm một tháng diễn ra World Cup, gần như tháng nào tôi cũng phải mượn đầu này đầu nọ để đắp vô bù lỗ. Tuy vậy, thấy khán giả vẫn rất yêu thích, trân quý sức lao động của tập thể vở diễn, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm cố gắng giữ sân khấu luôn sáng đèn”, NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ.
Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi được NSƯT Trịnh Kim Chi thành lập cách đây 2 năm. Nằm ở vị trí cách xa trung tâm thành phố (Q.6) nên đây là một bất lợi cho sân khấu còn mới mẻ này. Để khán giả biết đến sân khấu của mình nhiều hơn, Trịnh Kim Chi đã phải thường xuyên tự đi tìm khán giả, chủ động đến các đơn vị để giới thiệu các vở diễn, tổ chức các chương trình biểu diễn từ thiện như trong dịp Quốc tế thiếu nhi vừa qua, sân khấu đã biểu diễn miễn phí 3 suất cho các bé có hoàn cảnh khó khăn…
“Sân khấu chúng tôi hơi thiệt thòi vì xa trung tâm nên phải nỗ lực hơn rất nhiều để tồn tại. Tôi khá vất vả để khán giả biết đến sân khấu của mình. Nhưng giờ thì Sân khấu Trịnh Kim Chi cũng đã được xem là một thương hiệu của sân khấu thành phố khi ở Liên hoan Kịch nói toàn quốc vừa rồi chúng tôi cũng đạt được một số thành tích đáng kể để mọi người quan tâm đến chúng tôi hơn; nhìn chúng tôi như là một đơn vị rất sung sức và lì đòn...”, Trịnh Kim Chi nói.
NSƯT Mỹ Uyên vừa điều hành nhà hát vừa tham gia vai diễn trong vở Những giấc mơ lóng lánh Ảnh: Tố Tâm
Đóng cửa vì thua lỗ kéo dài
Bên cạnh đó, vẫn có sân khấu phải bỏ cuộc, không thể cố hơn được nữa. Đầu tháng 8 vừa qua, giới sân khấu TP.HCM bất ngờ trước tin Sân khấu kịch Nụ Cười Mới đóng cửa sau 14 năm hoạt động. Giám đốc của Nụ Cười Mới trước khi đóng cửa là nghệ sĩ hài “Long đẹp trai” cho biết, anh đã phải bù lỗ cho sân khấu suốt một thời gian dài, nhưng với tình hình khán giả không khả quan, sân khấu thường xuyên phải trả vé vì ít khán giả, anh không thể gồng gánh thêm nữa.
Trước đó, cuối tháng 2.2018, Sân khấu kịch Super Bowl của NSND Hồng Vân cũng tuyên bố đóng cửa sau 10 năm hoạt động do thua lỗ kéo dài và giá thuê mặt bằng quá cao. Tuy nhiên sau đó vài ngày, NSND Hồng Vân cho biết mở cửa lại sân khấu này do đơn vị cho thuê mặt bằng đã hỗ trợ giá ưu đãi và nhận được sự động viên của nhiều đồng nghiệp. Tuy nhiên, theo bà bầu Hồng Vân thì hoạt động của cả hai sân khấu Super Bowl và kịch Phú Nhuận hiện nay cũng chỉ từ hòa vốn đến lỗ. Nhưng dù thế nào thì chị cũng sẽ quyết tâm giữ Sân khấu kịch Phú Nhuận vì đây là tâm huyết suốt 18 năm qua của chị.
Việc Nụ Cười Mới đóng cửa khiến nhiều người băn khoăn lo lắng, liệu các sân khấu xã hội hóa khác sẽ còn chèo chống đến bao lâu. Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, không chỉ sân khấu kịch mà nhiều loại hình văn hóa truyền thống khác đang phải cạnh tranh với những hình thức giải trí mới thu hút và hiện đại hơn như game show truyền hình, các vở kịch dựng như một phim ngắn hoặc nhiều tập được các cá nhân nghệ sĩ hài nổi tiếng phát hành trên mạng… “Khán giả giờ đây có thể xem miễn phí trên mạng những game show hay kịch có nghệ sĩ mình yêu thích mà chẳng mất tiền vé, chủ động về thời gian, không sợ mưa nắng khi đến nhà hát… thì rõ ràng hoạt động của nhà hát kịch sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn nhiều người có sở thích đến nhà hát để xem nghệ sĩ diễn trực tiếp cũng như xem cách dàn dựng và bài trí ngoài đời thực… nên nếu các nghệ sĩ vẫn còn tâm huyết giữ sân khấu thì khán giả cũng sẽ không bỏ rơi sân khấu...”, chị Thanh Tuyền, một fan của kịch nói ở TP.HCM, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.