Chật vật hơn 15 năm, tuyến metro số 1 tiếp tục xin lùi đích tới 2024

08/09/2021 13:46 GMT+7

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 , tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) tại TP.HCM tiếp tục xin trễ hẹn.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có văn bản gửi Sở GTVT TP.HCM chuẩn bị nội dung báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố. 

Nhân công giảm 2/3

Theo báo cáo của MAUR, đến thời điểm này, tuyến metro số 1 đã đạt 87,5% khối lượng toàn dự án, dự kiến đạt 91% vào cuối năm 2021. Tại Quyết định số 4856 ngày 13.11.2019, thời gian thực hiện và đưa vào vận hành dự án tuyến metro số 1 là cuối năm 2021. Để đảm bảo tiến độ này, từ cuối năm 2019, dự án đã được triển khai mạnh mẽ để tăng tốc. Trong năm 2020, tổng tiến độ của dự án tăng hơn 10% dù còn nhiều khó khăn ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 bắt đầu diễn ra ở Việt Nam và đồng thời phải xử lý các vướng mắc kéo dài từ thời điểm bắt đầu triển khai dự án.
Tuy nhiên với đợt dịch bùng phát vào năm 2021 khiến việc triển khai dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là việc huy động nhân sự (trong và ngoài nước), từ đó gây ảnh hưởng đến các gói thầu thi công, thiết bị. Theo đó, các biến động về nhân công chủ yếu phụ thuộc vào các biện pháp triển khai nhằm hạn chế khả năng ảnh hưởng dịch Covid-19 trong nước. Ngoài ra, cũng có tâm lý e ngại dịch Covid-19 dẫn đến số lượng lớn nhân công rời bỏ công trường và trở về địa phương sinh sống. Dù Chủ đầu tư và các nhà thầu đã thực hiện các biện pháp thi công “3 tại chỗ", di chuyển theo “2 điểm đến - 1 cung đường" nhưng với các lý do nêu trên, số lượng nhân công của dự án vẫn tiếp tục sụt giảm. Trong 2 tháng đầu quý 3, số lượng nhân công suy giảm mạnh, từ trên 2.000 nhân sự giai đoạn đầu năm, đến tháng 8 chỉ còn 544 người.

Thêm hai đoàn tàu của tuyến metro số 1 cập cảng tại TP.HCM

Nhập thiết bị thử nghiệm, nghiệm thu đều bị delay

Cũng theo MAUR, từ tháng 2.2020, phía JICA và Tư vấn chung đã thông báo đến Chủ đầu tư những lưu ý liên quan tới tác động của dịch Covid-19 như ảnh hưởng đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án; các nhà thầu sẽ xem xét gửi các khiếu nại liên quan (do thiếu hụt trong thị trường lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng). Đến nay, việc thực hiện các thủ tục nhập cảnh; nhập khẩu thiết bị, vật liệu; việc tiến hành thử nghiệm, nghiệm thu tại nhà máy (FAT)... tiếp tục bị ảnh hưởng. Các nhà thầu đã đệ trình các khiếu nại liên quan đến dịch Covid-19. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là thiếu hụt về nguồn nhân lực và cung cấp vật tư; hủy đặt tàu, lưu kho, bảo dưỡng phát sinh cho đoàn tàu đầu tiên tại Kasado; thực hiện quá trình cách ly bắt buộc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo đó, các nhà thầu đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành và bổ sung các chi phí phát sinh do dịch Covid-19.
"Hiện nay Ban Quản lý Đường sắt đô thị với vai trò là chủ đầu tư của dự án đang nỗ lực cùng Tư vấn chung NJPT và các nhà thầu xây dựng lại tiến độ của dự án trên cơ sở đánh giá từng tác động cụ thể đến tiến độ. Dự kiến thời gian hoàn thành thực hiện và thi công dự án vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024 như các nhà thầu đã tính toán" - văn bản của MAUR nêu rõ.

Đoạn trường tuyến metro số 1

Năm 2006, tuyến metro số 1 chính thức được khởi động, do Cục Đường sắt Việt Nam - Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía nam (Tedi South) là đơn vị được giao lập dự án.
Trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ GTVT, tháng 4.2007, UBND TP.HCM phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư tương đương 17.388 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2009, tổng mức đầu tư dự án được đơn vị tư vấn NJPT của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại lên khoảng 47.325 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.
Việc điều chỉnh vốn tăng cao khiến tiến độ tuyến metro số 1 gặp nhiều khó khăn và phải đến ngày 28.8.2012 dự án mới được khởi công xây dựng. Vì thế, tiến độ chung cũng lùi lại 2 năm so với kế hoạch ban đầu hoàn thành năm 2018.
Sau khi duyệt vốn đầu tư lên hơn 47.000 tỉ đồng, trên cơ sở đồng thuận của các bộ, ngành liên quan, TP.HCM đã ký kết 2 hiệp định vay ODA với số tiền 31.000 tỉ đồng của Tổ chức JICA (Nhật Bản) và giải ngân được khoảng 40%, tương đương 43% tổng khối lượng thực hiện của toàn dự án. Tuy nhiên, chậm trễ thông qua chủ trương tăng vốn để giải ngân khiến tuyến metro số 1 không ít lần rơi vào tình cảnh “khốn khổ”. Trong đó, cuối năm 2015, liên danh nhà thầu chính thi công gói thầu số 2 (Sumitomo - Cienco 6) đã có đơn yêu cầu TP.HCM bồi thường thiệt hại do chậm bàn giao mặt bằng so với cam kết trong hợp đồng, với số tiền lên đến 2,5 tỉ đồng/ngày. Sau 3 năm, dự án không những không vượt được “ải” thiếu tiền mà tình hình ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đối mặt nguy cơ ngừng thi công.
Liên tục phải “giật gấu vá vai”, tạm ứng hơn 4.000 tỉ đồng để “giải nguy” cho dự án, suốt trong giai đoạn từ 2016 - 2019, tuyến metro số 1 liên tục vấp phải nhiều trở ngại không chỉ về thủ tục, vốn mà còn về mặt nhân sự điều hành, khiến việc đưa vào khai thác vận hành tuyến dự kiến lùi tới quý 4/2021, thay vì năm 2020 như kế hoạch trước đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.