Chật vật khép kín các vành đai Hà Nội

04/07/2022 07:46 GMT+7

Ngoài dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô đang trình Quốc hội, Hà Nội hiện có 5 tuyến vành đai nằm trong khu vực đô thị và đặt tên theo số 1; 2; 2,5; 3 và 3,5. Song cả 5 dự án này vẫn đang dở dang.

Ì ạch nhiều năm

Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (2,5 km) chưa hoàn thành. Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy đã hình thành tuyến, nhưng chưa mở rộng theo quy hoạch, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng hiện vẫn đang thi công mở rộng.

Dự án Vành đai 2,5 còn 5 đoạn đang triển khai (gần 6 km) và 4 đoạn chưa được đầu tư (gần 4 km) chủ yếu đi trên địa bàn các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai.

Dự án Vành đai 3 đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Nội Bài chưa được đầu tư. Ngoài ra, dự án Vành đai 3,5 đoạn từ QL32 đến đại lộ Thăng Long vẫn đang đầu tư.

Các dự án vành đai ở Hà Nội đều đang dở dang

LQP

Với tuyến Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, được Chính phủ và UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2018, tới nay chưa thể khởi công do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) dù thời gian dự kiến hoàn thành là 2018 - 2020. Ngay cả 2 hạng mục được xem là cấp bách là cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành và cầu vượt nút giao Giảng Võ - Đê La Thành cũng đang án binh bất động do vướng mặt bằng.

Đây là tuyến đường từng được mệnh danh là “đắt nhất hành tinh”, khi tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo tính toán năm 2017 là 7.200 tỉ đồng cho 2,27 km, tương ứng với 3,4 tỉ đồng/m đường. Vướng mắc của dự án nằm ở khâu GPMB với 2.300 hộ chưa thống nhất chi phí đền bù.

Một dự án khác cũng vướng mắc mặt bằng là tuyến Vành đai 2,5 (dài 19,41 km). Trong đó, đoạn tuyến dài hơn 2 km từ Đầm Hồng (Q.Hoàng Mai) đến QL1A đã chậm tiến độ so với kế hoạch hơn 6 năm. Dự án Đầm Hồng nối QL1A được UBND TP.Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002 (quyết định GPMB từ năm 2010, dự kiến hoàn thành 2016) với chiều dài khoảng 2,1 km, mặt cắt đường 40 m, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng. Dự án này trước đây được TP.Hà Nội cho thực hiện đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao do Liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty xây dựng công trình Hoàng Mai làm chủ đầu tư.

Đầu tháng 4.2022, Q.Hoàng Mai đã cưỡng chế 27 hộ tại ngõ 176 Định Công với diện tích khoảng 2.900 m2 để tiến hành GPMB, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội, dự án vẫn còn nhiều điểm vướng mặt bằng. Đặc biệt, do thời gian kéo dài nên nhà đầu tư đang phải tính toán, cơ cấu lại dự án.

Cơ chế đặc thù GPMB

Dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô đang được Chính phủ báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư. Đây được xem là dự án quan trọng, có ý nghĩa giảm tải áp lực hạ tầng giao thông và dân số cho khu vực nội đô. Dù vậy, Vành đai 4 cũng là đại dự án về cả quy mô vốn lẫn chiều dài (đoạn qua Hà Nội dài 58,2 km), tổng vốn dự án lên tới 85.800 tỉ đồng gồm cả vốn ngân sách và BOT, riêng phần vốn ngân sách của Hà Nội đã được HĐND thành phố thông qua là hơn 23.000 tỉ đồng).

Theo dự kiến, dự án sẽ tiến hành GPMB theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với bề rộng từ 90 - 135 m, thực hiện đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. UBND TP.Hà Nội cũng đề xuất đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) quy mô mỗi bên rộng 12 m; tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.341 ha... “Siêu dự án” này được xác định mục tiêu thời gian xây dựng và hoàn thành là 2022 - 2027.

Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, trên thực tế các dự án vành đai thường mất tới 10 - 20 năm để khép kín hoàn toàn. Trừ các thành phố lớn ở Trung Quốc, đa số các thành phố trên thế giới như Paris (Pháp) hay Berlin (Đức) cũng mất vài chục năm để khép kín các đường vành đai.

Trước "vấn nạn" GPMB, ông Bình nói: “Mắc lớn nhất là giá đền bù. Nhưng ngược đời ở chỗ hiện nay ai nhận tiền đền bù trước thường thiệt thòi hơn người chây ì ở lại sau, vì đơn giá thay đổi. Vì thế, không tạo động lực để người dân nhận tiền đền bù sớm. Phải có cơ chế ai nhận đền bù trước thì thưởng và ngược lại. Mặt khác, cơ chế giá đền bù cũng cần được xây dựng phù hợp với giá thị trường”, ông Bình đánh giá.

Theo ông Bình, về cơ bản các dự án vành đai Hà Nội đã được xây dựng những đoạn tuyến quan trọng, cấp thiết. Trong đó, vành đai 3 cả trên cao và dưới thấp đã gần khép kín cho đến cầu Thanh Trì, đóng vai trò rất lớn giúp giao thông không hướng tâm .

Tuy nhiên, vì tốc độ đô thị hoá của Hà Nội quá nhanh, nên Vành đai 3 trước đây phục vụ giao thông liên tỉnh thì nay biến thành nội đô, vì thế cấp thiết phải xem xét xây dựng Vành đai 4. “Việc đưa Vành đai 4 vào tầm ngắm, lên kế hoạch xây dựng từ bây giờ là phù hợp vì 10 - 20 năm nữa mới có thể khép kín hoàn toàn. Đoạn nào có nhu cầu giao thông cao thì làm trước để giải phóng áp lực cho giao thông liên tỉnh, rút kinh nghiệm từ các bài học GPMB của các dự án trước đó để triển khai đúng tiến độ”, ông Bình nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.