“Dài cổ” chờ tiền bồi thường
Năm 2014, UBND huyện Nghĩa Đàn và Công ty CP Sữa TH (gọi tắt là TH) tổ chức kiểm đếm, thu hồi 160 ha đất trồng cao su để TH mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa. Diện tích đất này do Nông trường Cờ Đỏ quản lý và đã giao khoán dài hạn cho 130 hộ dân ở xã Nghĩa Hồng (huyện Nghĩa Đàn) sản xuất. Theo người dân bị thu hồi đất, TH cam kết sẽ chi trả tiền bồi thường vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, đến nay sau 3 năm kiểm đếm, người dân vẫn chưa nhận được đồng bồi thường nào.
Ông Lê Viết Trường (ngụ tại xóm Hồng Trường, xã Nghĩa Hồng) cho biết, gia đình ông nhận của Nông trường Cờ Đỏ 1,2 ha từ năm 1986 và trồng cao su từ đó đến nay. Giữa năm 2014, cán bộ huyện và TH đến kiểm đếm, xác định mức bồi thường thu hồi đất là 350 triệu đồng, hứa sẽ trả tiền đền bù vào cuối năm đó. “Xác định họ sẽ đền bù ngay và lấy đất nên chúng tôi không chăm sóc cây nữa, trong khi chúng tôi rất cần đất để làm ăn. Năm nào dân cũng đi đòi, họ cũng hứa nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nếu không thu hồi nữa thì trả lại đất để chúng tôi làm ăn”, ông Trường nói. Cũng theo ông Trường, do người dân không chăm sóc cây nhưng vẫn cạo mủ kiểu tận thu, nên chỉ sau khoảng 1 năm, những cây cao su hiện còi cọc, xơ xác.
Ông Võ Hồng Sơn, Giám đốc Nông trường Cờ Đỏ, cho biết nông trường đã nhiều lần đề nghị TH chi trả tiền bồi thường cho công nhân và người dân nhận khoán đất, nhưng vẫn chưa có kết quả. “Dân rất bức xúc. Chúng tôi cũng vạ lây vì 3 năm nay, 160 ha cao su này gần như bỏ không, rất xót!”, ông Sơn nói.
Không chỉ Nông trường Cờ Đỏ mà tại Nông trường Sông Hiếu 3 (xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn), cũng diễn ra tình trạng tương tự. 55 ha đất ở nông trường này cũng được kiểm đếm từ năm 2014 để bàn giao cho TH, nhưng đến nay, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Nông trường Sông Hiếu 3, người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù, trong khi không dám đầu tư sản xuất vì không biết TH lấy lúc nào.
tin liên quan
Kon Tum: Dân vùng dự án thủy điện Thượng Kon Tum chưa có đất sản xuấtSáng 14.7, đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum đã chất vấn ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, về đất sản xuất cho người dân ở dự án thủy điện Thượng Kon Tum.
Loay hoay kế sinh nhai
Sau 2 lần thu hồi đất kể từ năm 2011, Nông trường Đông Hiếu (xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) gần như xóa sổ khi 967 ha đất trong tổng số gần 1.300 ha do nông trường quản lý đã được bàn giao cho TH trồng cỏ nuôi bò. Theo quy hoạch đã phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An, TH sẽ được giao tiếp 144 ha. Đến nay, có gần 1.000 hộ dân nhận khoán dài hạn ở xã Đông Hiếu bị mất đất sản xuất mà họ đã nhận khoán từ hơn 20 năm nay.
Ông Đặng Văn Long, xóm trưởng xóm Đông Sơn (xã Đông Hiếu), nguyên là công nhân Nông trường Đông Hiếu, nhận khoán 1 ha đất từ trước năm 1990. Theo ông Long, mỗi năm, 1 ha đất này thu nhập từ cây cà phê và mía cũng mang về cho gia đình 40 - 50 triệu đồng. Sau khi mất đất, ông được bồi thường 290 triệu đồng. Do không còn tấc đất nào để làm ăn, ông phải bỏ tiền mua 0,6 ha của hộ dân ở xóm khác nằm khá xa nhà, chưa bị thu hồi để sản xuất. “Nông dân mà không có đất thì khổ chứ biết lấy gì làm ăn”, ông nói. Hàng xóm ông Long là bà Lê Thị Hà nhận khoán 1 ha đất của nông trường cũng đã bị thu hồi. “Lô đất đó hàng năm đủ nuôi sống gia đình tui. Giờ không còn đất, 3 đứa con phải bỏ vào Nam làm thuê rồi”, bà Hà nói.
Cũng theo ông Long, sau khi thu hồi đất, 144 hộ dân trong xóm như người trắng tay, phải bỏ đi làm thuê khắp nơi, chỉ có vài ba người vào làm việc tại nhà máy của TH. Thị xã đã tổ chức các lớp dạy nghề chăn nuôi để chuyển nghề, nhưng không còn đất thì chăn nuôi cũng khó, nên không mấy ai mặn mà.
Bà Phan Thị Nga, Phó giám đốc Nông trường Sông Hiếu 2, nơi đã có hơn 600/1.200 ha thu hồi cho TH, cho biết sau thu hồi đất, công nhân và người dân nhận khoán sống rất chật vật. Trong số 50 công nhân của nông trường sau thu hồi đất được TH nhận vào làm việc, sau 6 năm, chỉ còn một số ít người theo đuổi vì đường đi làm quá xa, trong khi thu nhập thấp.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Viết Phú, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Nghĩa Đàn, thừa nhận tình trạng trên và cho biết, các thủ tục để thu hồi đất tại Nông trường Cờ Đỏ và Sông Hiếu 3 giao cho TH đã hoàn thành từ năm 2014. Tuy nhiên, do TH gặp khó khăn về kinh phí nên đến nay việc bồi thường chưa thực hiện được. "Theo cam kết của TH với UBND tỉnh Nghệ An vào năm 2016, thì đến cuối 2017 này, TH sẽ chi trả bồi thường cho người dân", ông Phú nói.
Bình luận (0)