ChatGPT: khi AI càn quét các giảng đường ĐH

ChatGPT: khi AI càn quét các giảng đường ĐH

Bùi Vân
Bùi Vân: thực hiện, Đăng Nguyên: biên tập, Công Tuấn: đọc voice
09/02/2023 17:29 GMT+7

ChatGPT đang “càn quét” các giảng đường ĐH trên thế giới. Với sự thông minh đa lĩnh vực, ChatGPT được xem là mối nguy đe dọa sự liêm chính trong học thuật, nhưng cũng là cơ hội để giáo dục thích ứng với sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo.

ChatGPT, thí sinh đặc biệt dù không học một ngày nào nhưng vẫn vượt qua hàng loạt kỳ thi khó nhằn: từ bài thi lập trình của Google, kỳ thi Cấp phép Y tế của Mỹ, cho đến bài thi MBA của ĐH Wharton với số điểm trên mức trung bình.

Sự thông minh của ChatGPT đã dấy lên lo lắng về liêm chính trong học thuật khi các vụ bê bối sinh viên sử dụng công cụ AI này để gian lận. Vừa qua, việc luận văn tốt nghiệp của sinh viên ĐH Nhân văn Quốc gia Nga được thông qua dù chỉ viết trong 23 tiếng nhờ ChatGPT hay bài tiểu luận được giáo sư triết học Antony Aumann tại ĐH Bắc Michigan cho là "bài viết hay nhất lớp" với dẫn chứng thuyết phục và lý luận chặt chẽ lại là sản phẩm của AI. Điều này là hồi chuông cảnh báo các nhà giáo dục về mặt trái tiềm ẩn của công cụ trí tuệ nhân tạo.

ChatGPT: khi AI càn quét các giảng đường ĐH - Ảnh 1.

ChatGPT vượt qua bài thi MBA của trường ĐH Wharton

GETTY IMAGES

"Cờ đỏ" đã nhanh chóng được sử dụng với ChatGPT tại một số trường ĐH nổi tiếng trên thế giới tại Mỹ, Pháp, Úc và Ấn Độ. Sở Giáo dục Thành phố New York, Học khu Thống nhất Los Angeles và Trường Công lập Seattle của Mỹ tuyên bố cấm sinh viên truy cập ChatGPT trên các thiết bị và hệ thống mạng của trường học. Thậm chí, ở trường ĐH danh tiếng nhất của Pháp, Science Po, người học sẽ buộc rời khỏi trường nếu bị phát hiện dùng ChatGPT hay công cụ AI nào khác trong học tập và thi cử. Bên cạnh lệnh "cấm cửa", phần mềm phát hiện đạo văn hay thay đổi phương thức đánh giá năng lực cũng được cho là cách để ứng phó với AI trong giáo dục.

ChatGPT: khi AI càn quét các giảng đường ĐH - Ảnh 2.

Trường ĐH danh tiếng của Pháp sẽ đuổi học sinh viên nếu phát hiện dùng ChatGPT

GETTY IMAGES

Mặt khác, vẫn có ý kiến ủng hộ sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ việc học. Tại Singapore, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho biết sẽ trang bị cho người học kỹ năng sử dụng công cụ AI một cách có trách nhiệm. Bên cạnh đó, giảng viên Ethan Mollick của Trường Wharton (Mỹ) yêu cầu sinh viên tự tạo ra dự án của mình dựa trên những phân tích và thẩm vấn dự án mà ChatGPT đã tạo ra.

Tuy nhiên, việc ứng phó và thích nghi với các công cụ trí tuệ nhân tạo của giáo dục sẽ là hành trình dài trong bối cảnh các phần mềm AI không ngừng được nâng cấp và phát triển. Chỉ trong khoảng 2 tháng, từ khi ra mắt cuối tháng 11.2022 đến nay, ChatGPT đã góp phần thay đổi bộ mặt giáo dục. Vậy thì trong thời gian tới, khi các phần mềm tương tự ngày càng nhiều và ngày càng hoàn thiện, giáo dục sẽ còn thay đổi như thế nào đây?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.