ChatGPT là cơ hội, không phải 'nguy cơ' với giáo dục

20/02/2023 15:52 GMT+7

Tại hội thảo "Học sinh có nhất thiết phải đến trường trong thời đại AI?", do Trường Phổ thông liên cấp Edison tổ chức tại Hà Nội ngày 19.2, nhiều chuyên gia và cả người học đều cho rằng ChatGPT là cơ hội chứ không phải nguy cơ

"Hỏi bâng quơ thì máy trả lời hay hơn mình nhiều"

Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết đã thử yêu cầu ứng dụng ChatGPT viết một bài thơ. Kết quả là máy đã đưa ra một bài thơ khá hay, có cả vần điệu.

ChatGPT là cơ hội thay vì nguy cơ với giáo dục - Ảnh 1.

Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch sáng lập Đại học Fulbright Việt Nam, khẳng định ChatGPT là cơ hội chứ không phải nguy cơ với giáo dục

VÂN NGỌC

Theo bà Thủy, từ xưa đến nay, người lớn yêu cầu học sinh phải tạo ra được một sản phẩm cuối cùng như là viết một bài văn, giải một bài toán, hoàn thành một bức tranh, thì bây giờ máy móc có thể giúp con người chúng ta làm xong những việc ấy trong một thời gian rất ngắn mà không tốn quá nhiều công sức. Chính các dữ liệu được cá nhân hóa như vậy mới là điều thú vị. 

"Tôi thấy đây sẽ là một cơ hội vô cùng lớn để những người làm giáo dục cùng nhau nhìn lại: Chúng ta có cần các em phải nộp cho trường, lớp một bài luận với độ dài mười trang giấy hay không, câu trả lời có lẽ là không, bởi vì với công cụ AI, các em có thể nộp cho trường bài viết độ dài còn hơn thế nữa. Cái mà nhà trường cần ở các em không phải là sự hoàn thành cho xong, cho đủ số lượng, mà chính là cách các em tự tạo động lực nghiên cứu, bắt tay vào thử nghiệm, cùng nhau thực hiện hóa ý tưởng" bà Thủy nêu quan diểm.

Vấn đề đặt ra là bây giờ phải nghĩ lại rằng chúng ta đánh giá cái gì ở việc học của học sinh, sinh viên? Nói về điều này, bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng điều hành Hệ thống trường PTLC Edison, chia sẻ câu chuyện hồi nhỏ của bản thân: "Đã có lần tôi nhờ bố làm giúp sản phẩm thủ công là một chiếc đèn ông sao vì ông là người rất khéo tay. Ông là người đã chỉ ra cho tôi rằng dù sản phẩm của mình có méo một chút, điểm có thể không cao hoặc thậm chí sản phẩm còn dở dang chưa thể hoàn thiện, nhưng chỉ cần đó là sản phẩm do chính tôi tạo ra thì đó sẽ là sản phẩm ý nghĩa nhất. Quan trọng là phải bắt tay vào làm, sai thì sửa, sửa lần một chưa được thì sẽ còn lần hai, lần ba… Đó là điều còn đáng giá hơn là nhắm đến một sản phẩm cuối cùng để đạt điểm cao. Tôi đã áp dụng quan điểm giáo dục đó cho các học sinh, trong đó có cả con cái của chính tôi".

"Tôi và các thầy cô luôn đồng hành cùng học sinh để các con tìm được, hiểu được mục tiêu của mình là gì? Mục tiêu là làm cho xong hay mục tiêu là các con thực sự muốn nắm được kiến thức, kỹ năng để có thể phản ứng, đáp ứng được cho những tình huống tương tự sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc sống. Đối với chúng tôi, điều đó còn quan trọng hơn nhiều với bảng điểm đẹp hoặc sự hoàn hảo", bà Minh nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Thủy cho rằng: "Bây giờ đưa ra đề bài thì cách để thiết lập câu hỏi mới là quan trọng, thay vì hỏi một cách bâng quơ. Nếu vậy chắc máy nói hay hơn mình nhiều. Tôi nghĩ cách đặt câu hỏi sẽ trở nên rất quan trọng. Vậy, giáo dục sẽ thay đổi như thế nào, chúng ta muốn học sinh đạt được cái gì?".

"Chúng ta cứ dựa vào việc đánh giá tại một thời điểm của bài thi, mà đúng hôm đó các em bị đau bụng, hay bực mình, hay thất tình với bạn gái… và vô hình trung các em bị đánh giá cho cả tương lai của mình từ bài thi ấy. Trong khi cái mà chúng ta cần quan tâm là sự trưởng thành, những sự thay đổi của các em trong 12 năm thì không ai để ý cả.

Có lẽ đó là điều quan trọng nhất của giáo dục, là làm sao tạo ra được những con người vừa có ích nhưng phải hạnh phúc. Còn nếu có ích mà không hạnh phúc thì tôi nghĩ nói cũng không giải quyết được vấn đề gì cho xã hội", bà Thủy chia sẻ. 

ChatGPT là cơ hội thay vì nguy cơ với giáo dục - Ảnh 2.

Bà Lê Tuệ Minh cho rằng quan trọng nhất là chúng ta biết sử dụng ChatGPT như thế nào

VÂN NGỌC

Không thay thế được người thầy

Vũ Ngọc Quý, cựu học sinh Trường Edison, hiện là sinh viên ĐH, cũng cho rằng AI sẽ ngày càng giỏi hơn nhưng suy cho cùng, yếu tố cảm xúc hay cá nhân hóa trong việc dạy học lại rất quan trọng. 

Theo Quý, khi máy tính ra đời, ai cũng sợ là môn toán sẽ bị thay thế nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Thậm chí, từ khi máy tính ra đời, 45 phút học toán hiệu quả hơn hẳn bởi chúng ta không mất thời gian để tính toán nữa.

"ChatGPT hay AI có thể cung cấp kiến thức, thu thập thông tin nhưng thầy cô không chỉ cung cấp cho chúng em về mặt tri thức học tập mà em luôn hạnh phúc khi ở trường, điều đó đã nói lên tất cả", Quý chia sẻ.

ChatGPT là cơ hội thay vì nguy cơ với giáo dục - Ảnh 3.

Vũ Ngọc Quý (người cầm micro) cho rằng: "Cảm xúc hay cá nhân hóa trong việc dạy học là điều AI không thay thế được người thầy"

VÂN NGỌC

Bà Lê Tuệ Minh nêu ví dụ: "Như nền tảng học tập E-learning được tạo ra với những bài giảng thậm chí còn hay hơn người thật. Thế thì cái việc đó có thay thế được người thầy thực sự không? Tôi cho là không, xét cho cùng, những công cụ đó cũng chỉ là tổng hợp kiến thức, giúp chúng ta làm được nhiều việc hơn, giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn để đầu tư đi sâu vào hiểu bản chất vấn đề, tìm ra cách hình thành, luyện tập kỹ năng, năng lực cho học sinh, dành cho các em thời gian để thực hành nhiều dự án hơn.

Với những công cụ hỗ trợ như ChatGPT, tôi cho đó là một điểm cộng với các thầy cô và học sinh, quan trọng nhất là chúng ta biết sử dụng công cụ đấy như thế nào để phát huy mảng tích cực và hạn chế mảng tiêu cực".

Bà Đàm Bích Thủy cũng khẳng định: "Người thầy không phải là người thuần túy truyền thụ kiến thức mà chính là người biết gợi mở và làm cho người học có được hoài bão, ước muốn cũng như sự dũng cảm làm nhiều thứ trong cuộc đời. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng vai trò đó sẽ không bao giờ AI có thể thay thế được và tôi vẫn rất lạc quan với tương lai của người thầy và của giáo dục". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.