ChatGPT làm được gì mà gây bão toàn cầu?

29/01/2023 09:35 GMT+7

Từ khi ra mắt vào tháng 11.2022, ChatGPT đã gây bão trên toàn thế giới, không chỉ thu hút chú ý mà còn cả sự cảnh giác dè chừng.

Chatbot này do công ty OpenAI sáng tạo, được thiết kế để mô phỏng các cuộc trò chuyện giống của con người, có thể làm thơ theo yêu cầu, thậm chí có thể trả lời các câu hỏi phức tạp theo nhiều phong cách khác nhau.

Các nhà sáng tạo cho biết đã có hơn 1 triệu người sử dụng ChatGPT trong tuần đầu tiên. Tuy nhiên, nội dung được tạo ra có đáng tin cậy hay không?

ChatGPT sử dụng điều gọi là công nghệ AI tạo sinh, với khả năng học từ kho dữ liệu để biết cách tạo ra hầu như mọi loại nội dung chỉ từ một cụm từ ban đầu.

"GPT là viết tắt của 'máy chuyển đổi tạo sinh được hướng dẫn trước'. Đây là mô hình trí tuệ nhân tạo được huấn luyện dựa trên bộ dữ liệu văn bản cực lớn. Bạn có thể cung cấp đầu vào cho nó và nó thì cho bạn sản phẩm đầu ra. Cơ bản những gì nó làm là viết tiếp điều mà bạn cho nó. Nếu bạn đặt câu hỏi, nó sẽ trả lời. Nếu bạn yêu cầu nó viết tiếp thứ bạn đang viết, nó sẽ làm vậy", Andrew Patel, nhà nghiên cứu AI tại WithSecure, giải thích.

Sử dụng kỹ thuật học máy có tên gọi Học Tăng cường từ Phản hồi Con người (RLHF), ChatGPT có thể mô phỏng các cuộc đối thoại, trả lời câu hỏi, nhận lỗi, thách thức các tiền đề sai và bác bỏ các yêu cầu không phù hợp.

"ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ. Với cách giải thích đơn giản nhất có thể thì một mô hình ngôn ngữ là mô hình thống kê dự đoán từ tiếp theo trong một dãy các từ", theo Tiến sĩ Tim Scarfe thuộc công ty công nghệ XRAI.

Ông Scarfe cũng cho biết đây không phải kỹ thuật mới, mà đã xuất hiện từ thập niên 1990.

"Nhưng rồi con người bắt đầu muốn khám phá nhiều hơn một chút; họ nói, sao chúng ta không đặt câu hỏi cho nó? Sao chúng ta không bắt nó giải toán? Sao chúng ta không hỏi nó những điều nó chưa từng được huấn luyện? Rồi con người khám phá ra năng lực suy luận hợp trội này. Chỉ cần lấy một phép nhân hay số học làm ví dụ, bạn có thể huấn luyện nó làm những điều chưa từng có trước đây. Mô hình này có khả năng suy luận hợp trội. Đây chính là một khám phá đáng chú ý", ông Scarfe cho biết.

Một công cụ như ChatGPT có thể được ứng dụng trong ngành tiếp thị kỹ thuật số, tạo nội dung trực tuyến hay dịch vụ khách hàng. Và như một vài người dùng đã khám phá ra, nó thậm chí có thể giúp dò lỗi lập trình.

Tuy nhiên, chính chương trình này cũng tự nhìn nhận rằng mình có thể được sử dụng cho mục đích tốt lẫn xấu.

"Nếu tôi là một đối thủ, nếu tôi muốn làm gì đó ác ý, tôi sẽ viết một đoạn mã thu thập các bài đăng trên Twitter và chế ra các phản hồi quấy rối độc hại cho các bài đăng đó, hoặc là lấy các bài đăng chính trị trên Twitter và đăng bài phản đối hoặc ủng hộ chúng. Tôi có thể sử dụng đoạn mã như vậy, ví dụ như để ảnh hưởng môi trường chính trị chính thống trên mạng xã hội. Như vậy là ta có thể tự động hóa việc quấy rối người khác", theo nhà nghiên cứu Andrew Patel.

OpenAI tự xác nhận công cụ này có xu hướng trả lời với "những nội dung nghe có vẻ hợp lý nhưng lại sai hoặc vô nghĩa", và xem đây là vấn đề khó khắc phục.

Công nghệ AI cũng có thể duy trì các thành kiến xã hội liên quan đến chủng tộc, giới tính và văn hóa. Các công ty công nghệ lớn như GoogleAmazon trước đây đã thừa nhận một số dự án AI của họ "khó lường về đạo đức" và có nhiều giới hạn.

NYM - Trí tuệ nhân tạo viết sách đầu tiên tại Việt Nam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.