ChatGPT như sự xuất hiện máy tính cầm tay cách đây hàng chục năm

10/02/2023 07:38 GMT+7

Các nhà chuyên môn, nhà khoa học quốc tế đang có mặt ở VN đều cho rằng sự xuất hiện ChatGPT cũng giống như các thành tựu khoa học công nghệ khác từ hàng chục năm trước đây. Vì thế, con người cần bình tĩnh, không hoảng sợ, kể cả trong lĩnh vực GD-ĐT.

KHÔNG CẦN HOẢNG SỢ

Có mặt tại VN trong những ngày đề tài về ChatGPT đang gây "sóng gió" trong dư luận xã hội, GS Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng ĐH Cornell (Mỹ), cho rằng không cần phải sợ ChatGPT, vì việc nó xuất hiện cũng là bình thường trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển như hiện nay.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể so sánh ChatGPT với máy tính thông minh cầm tay hoặc máy tính cầm tay (PDA), đã được giới thiệu từ cách đây hàng chục năm. Vào thời điểm đó, có nhiều ý kiến đưa ra về việc nên cấm máy tính trong các lớp học. Họ muốn học sinh tự mình giải quyết các câu hỏi và thực hiện các phương trình, lo sợ về việc học sinh sẽ không học được cách giải phương trình nếu sử dụng máy tính bỏ túi. Cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta đều biết rằng máy tính bỏ túi là công cụ hữu ích giúp con người đạt được mục đích sử dụng của mình", GS Kotlikoff nói.

ChatGPT như sự xuất hiện máy tính cầm tay cách đây hàng chục năm - Ảnh 1.

Các nhà khoa học so sánh việc xuất hiện máy tính trước đây với ChatGPT hôm nay

SHUTTERSTOCK

Ông Daniel Ruelle, Giám đốc Chương trình tiếng Anh và giao tiếp (Trường ĐH VinUni), cũng so sánh việc xuất hiện máy tính trước đây với ChatGPT hôm nay: "Trước đây, khi máy tính xuất hiện, mọi người cũng từng thấy đây là một công cụ đáng sợ, đe dọa khả năng tính toán của con người (vì cho rằng cần phải tính nhẩm để học tính toán). Và giờ đây, nỗi sợ với ChatGPT cũng tương tự. Trước đây, chúng ta từng bắt sinh viên phải sử dụng giấy, bút khi viết bài; đặc biệt khi làm bài thi là không được dùng máy tính. Nhưng thực tế là, bây giờ chúng ta dùng laptop (máy tính xách tay - PV) mọi lúc, mọi nơi, ít khi dùng đến giấy, bút để viết".

GS Rohit Verma, Hiệu trưởng Trường ĐH VinUni, liên tưởng: "Những năm 1960 - 1970 là khoảng thời gian thế giới xuất hiện sáng chế GPS (hệ thống định vị). Mới đây thì xuất hiện dịch vụ Google Map. Đây là 2 ví dụ cụ thể cho thấy công nghệ đã hỗ trợ tích cực như thế nào cho cuộc sống của nhân loại".

ChatGPT như sự xuất hiện máy tính cầm tay cách đây hàng chục năm - Ảnh 2.

Cần phải dạy cho sinh viên hiểu biết và cách sử dụng ChatGPT thay vì cấm

SHUTTERSTOCK

CẤM HỌC SINH, SINH VIÊN DÙNG ChatGPT KHÔNG KHẢ THI

Theo GS Kotlikoff, việc cấm ChatGPT là không khả thi, khi mà bất cứ ai cũng có thể truy cập nó trên điện thoại. Trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và ChatGPT nói riêng cũng đặt ra một thách thức lớn, đó là làm sao đảm bảo vấn đề liêm chính trong học tập, trong nghiên cứu khoa học. "Chúng ta cần đảm bảo rằng khi nộp bài, các bạn sinh viên luôn cung cấp nguồn gốc tài liệu đã sử dụng, cũng như thông tin về cách các em đạt được kết quả cuối cùng", GS Kotlikoff nói.

GS Rohit Verma chia sẻ quan điểm với tư cách là giáo sư ngành quản trị kinh doanh rằng: Việc dạy sinh viên về đổi mới sáng tạo, về sử dụng công nghệ trong công việc là một đòi hỏi tất yếu. Còn với tư cách là hiệu trưởng một trường đại học, theo GS Verma, các giảng viên cần phải dạy cho sinh viên hiểu biết và cách sử dụng ChatGPT.

Nên tận dụng và cải thiện khả năng của AI

Ông Daniel cho biết đã sử dụng ChatGPT được 1 tháng rưỡi. Qua đó, ông nhận thấy ChatGPT chưa hoàn hảo vì sử dụng nguồn dữ liệu trên mạng, dữ liệu đó hỗn tạp nên nhiều câu trả lời của ChatGPT không chính xác. Vì thế, đây là một công cụ chưa thật sự đáng tin cậy. Nhưng đây cũng là cơ hội để các trường đại học thay đổi cách kiểm tra, đánh giá.

Theo GS Kotlikoff, chúng ta nên tập trung hơn vào việc sử dụng ChatGPT thế nào để cải thiện kỹ năng của con người, thay vì lo lắng về việc học sinh có sử dụng công cụ này để "đạo" văn mà không có ý tưởng của riêng mình hay không. Đó mới là thách thức của hiện tại. "ChatGPT chỉ sử dụng những nội dung có sẵn. Công nghệ này tổng hợp mọi thông tin đã được đưa ra xung quanh một chủ đề nhất định. Những gì chúng tôi muốn mọi người làm là nghĩ về những nội dung mới mà họ bổ sung cho kho tàng kiến thức hiện có. Từ những nguồn tư liệu đó, công nghệ này sẽ tìm ra những nội dung có sẵn; hy vọng rằng, chúng có thể được sử dụng để tạo ra giá trị bổ sung cho kiến thức của nhân loại", GS Kotlikoff nêu quan điểm.

GS Wray Buntine, Giám đốc Chương trình khoa học máy tính, Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính (Trường ĐH VinUni), cũng đồng tình với việc cần phải dạy cho sinh viên hiểu và sử dụng ChatGPT như thế nào. Nhiều công ty công nghệ như Google, Baidu… đã nghiên cứu vấn đề này, nên việc sử dụng AI trong công việc sẽ là một thực tiễn hiển nhiên của nhân loại từ nay về sau. Sinh viên khi ra trường, đi làm sẽ phải sử dụng ChatGPT. Vì vậy, không nên tránh né, không nên sợ mà cần phải biết cách sử dụng.

Ông Daniel bày tỏ: "Thay vì cấm thì cần dạy sinh viên cách dùng ChatGPT, về AI, về Machine Learning (học máy) và sử dụng chúng như thế nào một cách có trách nhiệm với xã hội, với công việc. Trường đại học là nơi chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai, vì thế sinh viên cần được đào tạo khả năng nắm bắt, sử dụng được công nghệ cho tương lai chứ không chỉ cho hiện tại". 

Hỏi khó ChatGPT: siêu thông minh nhưng có lúc 'ngớ ngẩn'?

Chưa thể thay thế được con người

ChatGPT là một dạng chatbot - một công nghệ thiên về việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Nó sử dụng phản hồi của người dùng để trả lời câu hỏi tiếp theo, vì thế cho người dùng cảm giác đối thoại với người thật.

Tôi cho rằng nó không đáng sợ vì còn lâu mới thay thế được con người. Dù trong tương lai, ChatGPT có thể được hoàn thiện tiếp, nhưng nó cũng như các mô hình học máy khác, cơ chế tạo ra nó là được huấn luyện trên cơ sở dữ liệu con người đưa vào, được huấn luyện bởi con người.

Cũng không cần quá lo ngại về khả năng hỗ trợ con người gian lận của ChatGPT, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học. Nó có thể viết được một bài luận đơn giản nhưng những hoạt động phức tạp hơn của con người thì ChatGPT không bao giờ làm được.

TS Nguyễn Phi Lê (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo - ĐH Bách khoa Hà Nội)

Khuyến khích người học sử dụng nhân văn các thành tựu công nghệ

ChatGPT là một minh chứng cho thấy sự tiến bộ tất yếu của công nghệ. Không thể vì sợ sự tiến bộ đó mà chúng ta tìm cách kìm hãm hay loại bỏ nó. ChatGPT hay AI nói chung không bao giờ là mối đe dọa với giáo dục. Giáo dục là tìm ra khả năng để phát triển khả năng, năng lực cá thể của mỗi người học, chứ không phải chỉ là dạy kiến thức. Vì thế, không ai thay thế được người thầy. Cho nên chúng ta không cần phải sợ, thậm chí nên khuyến khích người học sử dụng một cách thông minh, nhân văn các thành tựu công nghệ.

GS Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.