Châu Á hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt nhất thế giới

06/05/2024 11:41 GMT+7

Nhiều chuyên gia cảnh báo các quốc gia trên khắp châu Á cần cảnh giác trước tình trạng nắng nóng bất thường, mưa bão khắc nghiệt và nguy cơ xảy ra thiên tai, cùng với các mối nguy hiểm về sức khỏe rình rập người lao động.

Nắng nóng, lũ lụt càn quét châu Á

"Tôi dự đoán sẽ chứng kiến những đợt nắng nóng gay gắt tương tự như năm ngoái, và cả bão lớn nữa", theo Nikkei Asia ngày 6.5 dẫn lời Giáo sư khoa học khí hậu Sarah Perkins-Kirkpatrick tại Đại học Quốc gia Úc (ANU).

Một người phụ nữ cố gắng hạ nhiệt cơ thể bằng quạt cầm tay ở Philippines hồi tháng 4.2024

Một người phụ nữ cố gắng hạ nhiệt cơ thể bằng quạt cầm tay ở Philippines hồi tháng 4.2024

REUTERS

Tháng 4 thường là thời điểm nóng và khô nhất trong năm ở nhiều quốc gia ở Nam Á và Đông Nam Á, nhưng mức độ năm nay lại cực kỳ khắc nghiệt. Nhiệt độ thường xuyên chạm mức 40 độ C ở nhiều thành phố trên toàn khu vực. Cụ thể, chính phủ Bangladesh và Philippines gần đây ra lệnh đóng cửa các trường học và đưa ra cảnh báo sóng nhiệt trên toàn quốc.

Song song đó, thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng khô hạn bất thường, hầu như không có mưa trong tháng 4. Sở Môi trường Bangkok cảnh báo chỉ số nhiệt độ tức thước đo nhiệt độ có tính đến độ ẩm, tốc độ gió và các yếu tố khác, ở mức "cực kỳ nguy hiểm".

Nhiệt độ cực cao, khắp châu Á ở đâu cũng 'đuối'

Ở khu vực phía nam Trung Quốc, nhiều trận mưa lớn tấn công các thành phố ở tỉnh Quảng Đông, khiến hệ thống giao thông và sân bay bị gián đoạn. Cơ quan khí tượng của tỉnh đã ra khuyến cáo đề phòng lũ quét và thảm họa địa chất vì dự kiến sẽ có thêm mưa bão trong những ngày tới. Bên cạnh đó, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cũng duy trì ứng phó khẩn cấp cấp 4 đối với tình hình lũ lụt ở khu vực này, theo The Statesman ngày 5.5.

Trong một diễn biến tương tự, lũ lụt và lở đất tấn công ở Sulawesi (Indonesia) khiến 14 người thiệt mạng, 115 người phải sơ tán, ảnh hưởng đến hơn 1.300 gia đình và làm hư hại hơn 1.800 ngôi nhà, Reuters dẫn lại thông báo của Cơ quan quản lý thảm họa Indonesia cho biết hôm 4.5.

Theo báo cáo Tình trạng Khí hậu ở châu Á 2023 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố hôm 30.4, châu Á ấm lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, và vẫn là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do các mối đe dọa từ lũ lụt, bão và nắng nóng khắc nghiệt.

Ảnh hưởng sức khỏe trầm trọng

Tổng thư ký WMO Celeste Saulo cho biết: "Kết luận của báo cáo gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Nhiều quốc gia trong khu vực trải qua đợt nóng kỷ lục vào năm 2023, với hàng loạt điều kiện thời tiết cực đoan. Biến đổi khí hậu làm gia tăng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những hiện tượng như vậy".

Nhiều ngôi nhà chìm trong nước lũ sau trận mưa lớn tại một ngôi làng ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 22.4.2024.

Nhiều ngôi nhà chìm trong nước lũ sau trận mưa lớn tại một ngôi làng ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ngày 22.4.2024.

REUTERS

WMO chỉ ra rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan năm 2023 một phần được thúc đẩy bởi hiện tượng El Nino. Song, tác động của quá trình phát triển El Nino thường khắc nghiệt nhất vào năm thứ 2, tức là năm 2024. Do đó, châu Á dự kiến sẽ hứng chịu nhiệt độ bất thường và lượng mưa lớn trong những tháng tới.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, khí hậu thay đổi đang tạo ra "những mối nguy hiểm về sức khỏe cho người lao động" như ung thư, bệnh hô hấp, rối loạn chức năng thận và các tình trạng sức khỏe tâm thần. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 6.5, hàng nghìn ca tử vong liên quan đến nhiệt độ quá cao, ung thư da do bức xạ tia cực tím mặt trời, ô nhiễm không khí, ngộ độc thuốc trừ sâu và các bệnh do nhiễm ký sinh trùng.

Theo báo cáo năm 2023 của WMO, khu vực này có "mức độ thấp nhất" về dịch vụ khí hậu và "các cơ quan chính phủ về y tế và khí hậu có mối quan hệ kém bền chặt và sự hợp tác hạn chế".

Nhiều nước châu Á đang chuẩn bị phòng ngừa cho hiện tượng thời tiết có thể cực đoan hơn trong những tháng tới. Ví dụ, Nhật Bản bắt đầu khởi động hệ thống cảnh báo say nắng vào ngày 1.5. Mục đích là để thúc giục mạnh mẽ hơn nữa chính quyền địa phương và người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe như sử dụng "nơi trú ẩn làm mát" hoặc máy điều hòa không khí.

Singapore yêu cầu người sử dụng lao động theo dõi nhiệt độ bầu ướt (wet-bulb temperature) - là phương pháp đo lường tính đến cả yếu tố nhiệt độ và độ ẩm, ở đó hơi nước đã bão hòa trong không khí. Các quy định này bắt đầu được áp dụng vào tháng 10.2023, và nhằm mục đích bảo vệ những người lao động ngoài trời khỏi nguy cơ căng thẳng nhiệt.

Bà Perkins-Kirkpatrick cho biết: "Chúng tôi đã dự đoán những sự kiện thời tiết khắc nghiệt này sẽ xảy ra, nhưng tốc độ diễn ra nhanh chóng của nó khiến tôi ngạc nhiên. Chúng ta phải thích nghi. Chúng ta không còn ở giai đoạn chỉ cần giảm phát thải khí nhà kính là đủ. Các biện pháp như giáo dục người dân cách ứng phó trong các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là cần thiết".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.