Châu Á - Thái Bình Dương mong Mỹ bơm tiền cải thiện cơ sở hạ tầng

24/02/2018 10:44 GMT+7

Mỹ không phải là nơi duy nhất cần chi nhiều tỉ đô để phát triển, cải thiện cơ sở hạ tầng.

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn đổ hàng trăm tỉ USD tiền chính phủ vào việc cải thiện đường sá, cầu cống ở Mỹ, cơ sở vật chất mà ông cho rằng trông như “thế giới thứ ba”. Song không chỉ ở Mỹ, các nước đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương cũng đang muốn USD chảy về khu vực để giúp cải thiện cơ sở hạ tầng.
Đây là chủ đề mà Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đặt ra khi ông chuẩn bị gặp Tổng thống Mỹ vào hôm 23.2 (giờ Mỹ) tại Washington. Ông Turnbull cho biết: “Chúng tôi cần hàng nghìn tỉ, nghìn tỉ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng bổ sung cho khu vực”.
Giới chuyên gia kinh tế đồng ý với Thủ tướng Úc. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính năm ngoái rằng các nước đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 26.000 tỉ USD đến năm 2030 để xây dựng mạng lưới điện, đường giao thông và ống dẫn nước thải.
Hiện một nước lớn đã bước vào hỗ trợ nhu cầu này. Trung Quốc đang bơm hàng tỉ USD vào cảng, đường sắt và nhiều dự án khác ở châu Á và xa hơn nữa thông qua dự án 'Vành đai - Con đường'. Nước xuất khẩu hàng đầu thế giới đang nỗ lực xây dựng, củng cố mạng lưới thương mại trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.
Giới chuyên gia cho hay Mỹ và các đồng minh lo ngại rằng Trung Quốc đang dùng phát kiến 'Vành đai - Con đường' để mở rộng tầm ảnh hưởng, hạn chế việc các nước khác hợp tác với phương Tây. Giáo sư về quan hệ quốc tế Harsh Pant tại King’s College London nhận định: “Mối lo ngại lớn nhất của họ là Vành đai - Con đường như phương tiện để củng cố quyền kinh tế của Trung Quốc”.
Bộ trưởng Quốc phòng mỹ Jim Mattis hồi tháng 10.2017 cho hay không nước nào trên thế giới nên đặt mình vào vị thế được toàn quyền quyết định dự án 'Vành đai - Con đường'. Thách thức mà Mỹ cùng các đồng minh phải đối mặt là làm thế nào để đối phó với khoản tiền khổng lồ mà Trung Quốc đang bơm cho các dự án cùng nhiều mối liên kết xây dựng với các nước nhận tiền đầu tư.
Một số đối thủ trong khu vực châu Á của Đại lục như Ấn Độ, Nhật Bản đã tìm hướng đi khác. Cụ thể, hai nước này ủng hộ dự án có tên Hành lang Tăng trưởng châu Á châu Phi, vốn có mục tiêu thúc đẩy thương mại giữa hai châu lục bằng cách tăng cường cơ sở hạ tầng như cảng biển. Giám đốc chương trình an ninh quốc tế Euan Graham thuộc Viện Lowy ở Úc cho rằng sự hợp tác trên có thể hấp dẫn hơn vì nhiều nước có thể sẽ muốn bắt tay phát triển cơ sở hạ tầng với các nước khác thay vì Trung Quốc. Việc Mỹ tham gia nhiều hơn có thể giúp các dự án mới hấp dẫn hơn.
Dù vậy, cam kết đầu tư khoản tiền lớn ở nước ngoài có vẻ không hợp với chủ trương “American First” của ông Trump. Tổng thống Mỹ đang tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng quốc nội. Thêm vào đó, vì Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng trong chuyện thương mại, Bắc Kinh có thể không hài lòng khi Mỹ hậu thuẫn chi tiêu cơ sở hạ tầng ở châu Á với các nước đối thủ như Ấn Độ, Nhật Bản.
Một số chuyên gia vẫn cho rằng Mỹ có nhiều lý do để bơm tiền cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đơn cử, Mỹ có thể tạo thêm việc làm và thúc đẩy xuất khẩu nếu tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nước ngoài, vì các dự án có thể tạo thêm công ăn việc làm cho các doanh nghiệp Mỹ, giúp các hãng này cung cấp thiết bị, dịch vụ cần thiết cho hoạt động xây dựng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.