(Tin Nóng) Theo số liệu của OAG thì tính vào thời điểm tháng 3.2016, có trên 1.200 đường bay nối kết châu Á với thế giới, tăng 3% so với tháng 3.2015.
Boeing 777-300ER của Emirates sẽ bay đến Hà Nội - Ảnh: Reuters
|
Châu Á đã trở thành một trong những thị trường hàng không lớn nhất thế giới với mỗi năm khoảng một tỉ lượt hành khách bay đến/đi và trong vùng. Nhà sản xuất máy bay Boeing dự báo mỗi năm thị trường này lại có thêm trên 100 triệu lượt hành khách.
Theo Anna.aero, trang mạng chuyên về vận chuyển hàng không toàn cầu, đường bay số một châu Á hiện nay là đường bay Mumbai-Dubai, được khai thác bởi 6 hãng hàng không, gồm 4 hãng của Ấn Độ (Air India, Jet Airways, IndiGo và SpiceJet) và 2 hãng của Dubai (Emirates Airline và flyDubai).
Ở toàn cảnh hàng không châu Á nối kết với thế giới, trong những hãng hàng không lớn nhất, có 5 hãng thuộc châu Á, số còn lại thuộc các châu lục khác. Như đã là một thực tế từ năm 2015, Emirates Airline của Dubai vẫn là hãng số một châu Á với tổng lượng ghế cung ứng cho thị trường tăng 6,9%. Emirates sẽ còn tiếp tục thống lĩnh thị trường vận chuyển hàng không châu Á vì kể từ mùa hè 2016 sẽ mở thêm nhiều đường bay mới đến Cebu và Clark ở Philippines; Yangoon, Myanmar và Hà Nội cùng 2 điểm đến khác tại Trung Quốc.
Từ Việt Nam, bạn có thể bay với Emirates Airline đến Dubai rồi từ đó nối chuyến đến London vì hiện mỗi ngày hãng này có đến 9 chuyến khứ hồi Dubai-London, và từ ngày 1.10.2016 sẽ tăng thành 10 chuyến/ngày, gồm 6 chuyến đến/đi từ Heathrow và 4 chuyến đến/đi từ Gatwick (sân bay cách trung tâm London khoảng 2 tiếng đi xe). Đáng kể là 8 trong số 10 chuyến bay hàng ngày ấy được khai thác với máy bay khổng lồ A380 (chỉ có 1/6 chuyến đến/đi từ Heathrow và 1/4 chuyến đến/đi từ Gatwick là bằng máy bay B777-300ER). Tính đến đầu tháng 3.2016, Emirates đang sử dụng đội 74 chiếc A380.
B767-300ER của Air New Zealand sẽ bay đến TP.HCM - Ảnh: Aviation
|
Thủ đô Thái Lan thuộc tốp những thành phố đón nhận nhiều chuyến bay của nhiều hãng hàng không quốc tế. Riêng Emirates Airline hiện mỗi ngày cung ứng 4 chuyến bay non-stop Dubai-Bangkok bằng máy bay khổng lồ A380. Cần nói rõ là trong đó có chuyến bay thực hiện bằng kiểu A380 có thiết kế 615 ghế (gồm 58 ghế hạng thương gia và 557 ghế hạng phổ thông). Đối thủ Qatar Airways tỏ ra không kém với tần suất mỗi ngày 4 chuyến bay non-stop nối kết hai thủ đô Doha và Bangkok (3 chuyến bằng A 380, một chuyến bằng B777 có bay tiếp đến Hà Nội trả và đón khách). Sắp tới đây Qatar Airways sẽ khai trương hai đường bay mới, từ Doha đến Chiang Mai và từ Doha đến Krabi.
Hiện nay Dubai, Doha và Abu Dhabi, tức ba cái nôi chính của Bộ ba gã khổng lồ hàng không Trung Đông (Emirates, Qatar Airways và Etihad Airways) là ba điểm đến hàng đầu của thị trường châu Á - thế giới. Đáng chú ý là trong 8 năm qua, hai sân bay Doha và Abu Dhabi đã vượt qua những sân bay lớn khác trên thế giới, như London Heathrow; Frankfurt, Los Angeles, Sheremetyevo, Domodedovo, Sydney, Istanbul Ataturk.
Chiếc A350-900 đầu tiên của Singapore Airlines
|
Châu Á sẽ có thêm nhiều nối kết hàng không với các châu lục khác khi các hãng tiếp tục khai trương đường bay mới trong các tháng tới của năm 2016. Chẳng hạn Hainan Airlines (nay đã là một trong số 7 hãng bay được Skytrax công nhận là hãng hàng không 5 sao) vào tháng 6 sẽ mở tuyến bay Bắc Kinh – Manchester, sau đó khánh thành các tuyến nối Bắc Kinh với Calgary, Canada; Tel Aviv, Israel. Hãng China Eastern thì bắt đầu khai thác hai tuyến Thượng Hải-Prague và Thượng Hải-Chicago.
Ngoài ra còn có Austrian Airlines mở nối kết hàng không Vienna - Phố Đông Thượng Hải vào ngày 6.4 qua. Sang mùa hè, châu Á có thêm 2 nối kết hàng không non-stop với thị trường Mỹ, gồm tuyến bay San Francisco-Singapore khai thác bởi United Airlines và tuyến bay Los Angeles-Hong Kong của American Airlines.
United sẽ dùng Boeing 787-9 bay non-stop San Francisco-Singapore - Ảnh: United
|
Phần Singapore Airlines sẽ sử dụng máy bay mới A350 khánh thành đường bay đến Amsterdam và Dusseldorf. Hãng cũng sẽ mở đường bay thứ ba đến nước New Zealand là Wellington (tiếp nối từ Canberra, Úc). Cathay Pacific cũng sẽ nhận máy bay mới A350 để khánh thành đường bay Hong Kong-Madrid và Hong Kong-London Gatwick.
Air New Zealand đang chuẩn bị khai trương đường bay non-stop nối kết Auckland với TP. Hồ Chí Minh kể từ 4.6.2016 (bước đầu 3 chuyến khứ hồi, bằng máy bay Boeing 767-300ER) và sau đó là đường bay đến Manila, Philippines (mỗi ngày một chuyến, cũng bằng B767-300ER) kể từ đầu tháng 12.2016.
Số ghế một chiều cung ứng mỗi tháng ở 12 đường bay châu Á tấp nập nhất (tháng 3.2016)1.Mumbai-Dubai: 118.785 2.Karachi-Dubai: 108.174 3.Bangkok-Dubai: 99.413 4.Delhi-Dubai: 90.840 5.Singapore-Sydney: 79.186 6.Hong Kong-London Heathrow: 77.641 7.Singapore-Melbourne: 73.160 8.Tokyo Narita-Honolulu: 71.952 9.Singapore-Dubai: 66.957 10.Singapore-London Heathrow: 66.102 11.Bangkok-Doha: 59.600 12.Delhi-London Heathrow: 59.465 (nguồn: OAG Analyser, anna.aero) |
Số ghế một chiều cung ứng hàng tháng bởi 12 hãng hàng đầu châu Á-thế giới (tháng 3.2016)1.Emirates Airline: 998.161 2.Qatar Airways: 569.763 3.Aeroflot: 448.824 4.Etihad Airways: 408.680 5.Cathay Pacific Airways: 380.035 6.Singapore Airlines: 354.455 7.Jet Airways: 292.816 8.United Airlines: 288.799 9.Korean Air: 280.169 10.Saudi Arabian Airlines: 260.467 11.Turkish Airlines: 259.361 12.Air China: 244.594 (nguồn: OAG Analyser, anna.aero) |
Bình luận (0)