Theo Reuters, cảnh báo này được đưa ra trong một báo cáo do các thành viên EU soạn thảo về những rủi ro an ninh đối với mạng di động 5G - công nghệ mạng di động tiếp theo vốn được coi là yếu tố mang tính cạnh tranh của khối trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào các giải pháp kết nối.
Các tác giả của báo cáo đã bỏ qua cảnh báo của Mỹ về việc cấm thiết bị Huawei, trong đó Mỹ cáo buộc các thiết bị của Huawei có thể bị Trung Quốc dùng làm công cụ gián điệp. Tuy nhiên, phía EU cũng cho rằng trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng gia tăng với sự hậu thuẫn của những thực thể được hỗ trợ bởi chính phủ, thì rủi ro từ các nhà cung cấp riêng lẻ cần được cân nhắc, bao gồm nhà thầu chịu sự can thiệp của một quốc gia ngoài EU, Huawei là một trong số đó.
Đáng nói, hiện Phần Lan là quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU lại cũng là nơi đặt trụ sở của Nokia, trong khi Thụy Điển - một thành viên EU khác lại là đại bản doanh của Ericsson, hai công ty Nokia và Erisson đều đang xúc tiến cung cấp các giải pháp 5G và dĩ nhiên các quốc gia châu Âu sẽ muốn ưu tiên hai công ty “nhà” này dưới mọi hình thức, nên họ tuyên bố “cân nhắc” về nguy cơ bảo mật cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, Huawei hiện là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Nokia và Ericsson về giải pháp mạng lại tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các đối tác châu Âu về bảo mật mạng 5G và phủ nhận mọi cáo buộc về nguy cơ gián điệp trên thiết bị của mình.
Bản thân các nước thành viên EU đang có những lựa chọn khác nhau sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm Huawei và khuyến cáo đồng mình bỏ qua nhà cung cấp thiết bị viễn thông này vì lý do “an ninh quốc gia”. Trong đó, Anh và Đức đều đã bỏ qua cảnh báo của Mỹ nhưng có cách ứng xử khác nhau, Anh vẫn cho phép Huawei tham gia mạng 5G ở cấp độ giới hạn, trong khi Đức lại cho phép Huawei tham gia triển khai 5G ở tất cả các mạng lớn của nước này nhưng có giám sát. Một số quốc gia khác của EU cũng cho biết họ vẫn mở cửa cho Huawei nhưng tỏ ra thận trọng sau cảnh báo của Mỹ.
Bình luận (0)