Châu Âu có động thái quân sự gì sau vụ đường ống Nord Stream bị rò rỉ?

02/10/2022 07:30 GMT+7

Những vụ rò rỉ khí đốt trên đường ống Nord Stream khiến một số nước châu Âu cảnh giác cao độ và thậm chí có động thái quân sự nhằm bảo vệ hệ thống năng lượng mà họ cho là ngày càng dễ bị tấn công.

Một báo cáo của Đan Mạch và Thụy Điển được công bố vào ngày 30.9 kết luận các vụ rò rỉ mới đây ở hai đường ống khí đốt Nord Steam 1 và 2 là do các vụ nổ dưới nước tương ứng với hàng trăm kg thuốc nổ, theo AFP. “Tất cả các thông tin hiện có đều chỉ ra rằng những vụ nổ đó là kết quả của một hành động có chủ ý”, báo cáo viết.

Liên minh châu Âu (EU) cho hay họ nghi ngờ có sự phá hoại đối với những đường ống Nord Stream, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30.9 cáo buộc Mỹ và các đồng minh làm nổ tung đường ống. Washington thì cho rằng còn quá sớm để xác nhận đó là một vụ phá hoại và khẳng định Mỹ không có liên quan.

Vụ rò rỉ khí đốt từ đường ống Nord Stream 1 được nhìn thấy trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển ở biển Baltic trong bức ảnh được chụp từ máy bay thuộc Lực lượng Tuần duyên Thụy Điển ngày 28.9.2022

REuters

Tất cả những vụ rò rỉ ở đường ống Nord Stream 1 và 2 được phát hiện vào ngày 26.9 ở biển Baltic, ngoài khơi đảo Bornholm thuộc Đan Mạch. Trong đó có hai vụ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và hai vụ khác nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.

Châu Âu hiện có hàng chục hệ thống đường ống dẫn khí đốt nối các nước thành viên EU cũng như các tuyến đến Nga, châu Phi, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và biển Bắc, với nhiều hệ thống đang được xây dựng hoặc đang trong quá trình lập kế hoạch. Đặc biệt là đường ống dẫn khí Baltic mới giữa Na Uy và Ba Lan, bắt đầu cung cấp khí từ ngày 1.10 cho các thị trường Đan Mạch và Ba Lan cũng như người tiêu dùng ở các nước lân cận.

Leo thang nghiêm trọng nếu Nga thực sự tấn công Nord Stream

Tăng cường an ninh

Các vụ rò rỉ ở những đường ống Nord Stream đã khiến một số quốc gia tăng cường an ninh xung quanh các tài sản cơ sở hạ tầng quan trọng khác để phòng khi có hoạt động phá hoại hoặc tấn công tiếp theo. Trong đó, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đã ra lệnh tăng cường an ninh xung quanh tất cả các cơ sở hạ tầng điện và khí đốt.

Các tàu Đan Mạch giám sát vụ rò rỉ khí đốt ở biển Baltic ngoài khơi bờ biển nước này vào ngày 30.9

Reuters

Cơ quan quản lý năng lượng của Đức cũng kêu gọi tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, trong khi bốn nhà khai thác hệ thống truyền dẫn hàng đầu của Đức cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với các dịch vụ an ninh.

Ngoài ra, hai quan chức cấp cao Ý cho Reuters hay chính quyền của Thủ tướng Mario Draghi đã ra lệnh hải quân tăng cường hoạt động giám sát và kiểm soát đối với những đường ống dẫn khí đốt tới Ý từ phía nam và đông.

Na Uy cũng đang triển khai lực lượng hải quân, tuần duyên và không quân để tăng cường an ninh dầu khí, theo Reuters. Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt và dầu mỏ lớn nhất châu Âu, có hơn 90 mỏ dầu, hầu hết trong số đó được kết nối với mạng lưới đường ống dẫn khí đốt trải dài khoảng 9.000 km.

“Chúng tôi đang đối thoại với các đồng minh của mình về việc tăng cường sự hiện diện ở khu vực (ngoài khơi) Na Uy và đã đồng ý với những đóng góp từ Đức, Pháp và Anh", Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 30.9. Ông khẳng định Oslo không có dấu hiệu về những mối đe dọa trực tiếp đối với Na Uy hoặc cơ sở hạ tầng của nước này, nhưng nói rằng cần tăng cường an ninh trong tình hình hiện nay.

Anh, Na Uy đưa tàu chiến tuần tra sau vụ rò rỉ khí đốt Nord Stream nghi do phá hoại

Các nhà phân tích tại công ty năng lượng Rystad Energy ở Oslo cho rằng Na Uy ngày càng trở thành một đối tác quan trọng trong nỗ lực của châu Âu nhằm tránh một cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra suy thoái kinh tế, thúc đẩy sản xuất khí đốt để đáp ứng khoảng 30% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Nga, nước từng cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu vào năm ngoái, hiện chỉ đáp ứng dưới 10%.

“Mối quan tâm trước mắt sẽ là an ninh của các đường ống nối Na Uy và châu Âu, bao gồm cả đường ống Baltic mới mở”, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định.

Dễ bị tấn công mạng?

Mặc dù không rõ điều gì đã gây ra các vụ nổ ở những đường ống Nord Stream, nhưng cơ sở hạ tầng năng lượng từ lâu dễ bị tấn công mạng. Trong năm nay, Ukraine nói rằng họ đã ngăn chặn mưu đồ của tin tặc Nga phá hoại lưới điện nước này, sau các cuộc tấn công mạng vào năm 2017 và 2015 dẫn đến mất điện.

Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) ngày 22.9 cũng nói rằng họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở đường ống TurkStream, một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Mỹ, một cuộc tấn công tương tự đã khiến một đường ống dài 8.900 km của công ty Colonial Pipeline dừng hoạt động 5 ngày trong năm ngoái, làm gián đoạn nguồn cung cấp xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay cho hàng nghìn trạm và sân bay ở Bờ Đông, theo Reuters.

Giá năng lượng ở châu Âu đã tăng vọt trong năm nay do nguồn cung khí đốt từ đường ống của Nga đã giảm mạnh và các thị trường nhạy cảm với bất kỳ sự cố ngừng hoạt động không lường trước được.

Tình báo Mỹ từng cảnh báo Đức về nguy cơ đường ống Nord Stream bị tấn công

Mỹ hiện là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất sang châu Âu, nên nguồn cung không bị gián đoạn từ Mỹ là rất quan trọng. Một vụ hỏa hoạn tại một cơ sở xuất khẩu khí đốt của công ty Freeport LNG ở bang Texas trong tháng 6.2022 đã ảnh hưởng đến khoảng 17% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ, khiến giá khí đốt của EU tăng vọt, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.