Châu Âu lên kế hoạch cấm đồ nhựa sử dụng một lần

30/05/2018 18:40 GMT+7

Châu Âu đang đề xuất cấm sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như dao, muỗng, nĩa, ống hút để làm sạch đại dương.

Theo CNN, Ủy ban châu Âu muốn cấm 10 mặt hàng chiếm 70% tổng số rác thải trong vùng biển của Liên minh châu Âu (EU) và trên các bãi biển. Dự thảo lệnh cấm đã được công bố hôm 28.5 nhưng cần sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu. Có thể sẽ mất ba hoặc bốn năm để các quy tắc chính thức có hiệu lực.
Châu Âu không chỉ cấm sản phẩm nhựa, họ còn muốn làm cho các nhà sản xuất nhựa phải chịu chi phí quản lý, dọn dẹp chất thải. Đồng thời, họ cũng đề xuất các nước EU phải thu gom 90% chai nhựa sử dụng một lần vào năm 2025 thông qua các chương trình tái chế mới.
Ủy ban châu Âu ước tính rằng các quy tắc này, một khi được thực hiện đầy đủ vào năm 2030, có khả năng sẽ khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm trên 3 tỉ euro (khoảng 3,5 tỉ USD), nhưng đổi lại sẽ tiết kiệm cho người tiêu dùng khoảng 6,5 tỉ euro (khoảng 7,6 tỉ USD) mỗi năm, tạo ra 30.000 việc làm và tránh được 22 tỉ euro (khoảng 25,6 tỉ USD) thiệt hại môi trường và chi phí dọn dẹp.
Rethink Plastic Alliance, hiệp hội của các tổ chức môi trường, gọi đề xuất này là “bước nhảy vọt trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa”, nhưng cũng đồng thời chỉ trích một số thiếu sót về nhận thức.
“Các đề xuất không đặt ra mục tiêu cụ thể cho các nước EU trong việc giảm sử dụng ly nhựa và hộp nhựa đựng thức ăn. Điều này có thể dẫn đến kết quả là họ chỉ tuyên bố đang thực hiện các bước cần thiết, mà không cho biết ở mức độ nào”, Rethink Plastic Alliance cho hay.
Đề xuất này nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích từ ngành công nghiệp nhựa. Plastics Europe, tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất nhựa, cho biết họ ủng hộ “mục tiêu bao quát” của đề xuất, nhưng cũng nói rằng cần phải có thêm nguồn lực dành riêng cho “quản lý chất thải” để đảm bảo tốt hơn việc thu gom đồ nhựa đã qua sử dụng.
“Lệnh cấm sản phẩm nhựa không phải là giải pháp. Sản phẩm thay thế có thể sẽ không bền vững hơn”, Plastics Europe nói trong một tuyên bố.
Trên cở sở toàn cầu, chỉ có 14% nhựa được thu gom để tái chế. Tỷ lệ tái sử dụng đồ nhựa khá khiêm tốn so với các vật liệu khác, 58% giấy và 90% sắt và thép được tái chế. Nghiên cứu cho thấy nhựa sẽ nhiều hơn trọng lượng cá trong các đại dương trên thế giới vào năm 2050, điều này đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách, cá nhân và công ty phải nhanh chóng hành động.
Tháng trước, một nhóm hơn 40 công ty bao gồm Coca-Cola, Nestle, Unilever và Procter & Gamble đã cam kết cắt giảm số lượng nhựa mà họ sử dụng và vứt bỏ tại Anh. Starbucks hồi tháng 3.2018 cũng đưa ra giải thưởng trị giá 10 triệu USD cho thiết kế loại cốc mới dễ tái chế hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.