Châu Âu tranh cãi về việc đưa quân sang Ukraine

18/02/2025 10:03 GMT+7

Các nước châu Âu đã tranh cãi trong cuộc họp tại Paris ngày 17.2 liên quan việc đưa quân sang Ukraine và còn nhiều bất đồng về vấn đề này.

Ngày 17.2, lãnh đạo các nước châu Âu nhóm họp tại Paris theo đề nghị của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để bàn thảo kế hoạch sắp tới cho Ukraine sau khi lục địa này bị Mỹ loại khỏi vòng đàm phán với Nga.

Cuộc họp do Tổng thống Macron chủ trì, có sự tham dự của lãnh đạo 6 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Anh, và các quan chức lãnh đạo NATO, EU.

Thượng đỉnh khẩn cấp châu Âu: Những nước nào hứa đưa quân đến Ukraine?

Theo tờ Financial Times, Đức, Ý, Ba Lan và Tây Ban Nha đã thể hiện sự thờ ơ với việc đưa lực lượng đến Ukraine để gìn giữ hòa bình, sau khi Anh và Thụy Điển đề cập khả năng trên. Trong khi đó, Pháp và Anh, hai cường quốc hạt nhân tại châu Âu, đi đầu trong cuộc thảo luận.

Tại cuộc họp, Pháp đề xuất thiết lập "lực lượng trấn an" đóng quân đằng sau đường ranh giới ngừng bắn trong tương lai tại Ukraine thay vì dọc theo đường này.

Sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng việc bàn bạc đưa quân sang Ukraine là "rất không thích hợp" và không đúng thời điểm trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra.

Châu Âu tranh cãi về việc đưa quân sang Ukraine- Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp Thủ tướng Anh Keir Starmer trước cuộc họp chiều 17.2

ẢNH: REUTERS

Ông Scholz cho rằng cần giải quyết vấn đề cấu trúc an ninh trước khi tính đến việc đưa quân sang. Ông nhấn mạnh nếu một bộ khung rõ ràng cho việc triển khai binh sĩ được vạch ra, Đức sẽ "không ngần ngại" tham gia. Theo trang The Independent, Thụy Điển, Hà Lan và Tây Ban Nha cũng tỏ ra phân vân như Đức.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói với các lãnh đạo rằng bà do dự về việc đưa binh sĩ châu Âu sang Ukraine, gọi đó là phương án phức tạp nhất và ít khả năng hiệu quả nhất trong số các lựa chọn, nguồn tin từ cuộc họp tiết lộ với Financial Times.

Châu Âu tranh cãi về việc đưa quân sang Ukraine- Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiễn Thủ tướng Ý Giorgia Meloni rời khỏi Điện Élysée sau cuộc họp chiều 17.2

ẢNH: AP

Thủ tướng Anh Keir Starmer nói sẵn sàng cân nhắc đưa lực lượng Anh đến thực địa cùng các nước khác nếu có thỏa thuận hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, ông đề nghị phải có sự hậu thuẫn của Mỹ. "Một sự đảm bảo an ninh là cách duy nhất hiệu quả để ngăn Nga tấn công Ukraine một lần nữa", ông Starmer nói và cho biết sẽ sang Washington D.C để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần sau, sau đó sẽ bàn bạc thêm với các lãnh đạo châu Âu.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói sẵn sàng thảo luận về nhiều điều khác như triển khai binh sĩ nhưng cũng muốn nhấn mạnh rằng có rất nhiều điều cần làm rõ trước khi đến bước đó, "bởi chúng ta đang nói về sự an toàn của công dân của chúng ta". Ông Starmer trước đó tuyên bố cân nhắc nghiêm túc về sự an toàn của binh sĩ.

Đón đầu hòa đàm, đồng minh hứa gửi quân đảm bảo an ninh cho Ukraine

Phía Tây Ban Nha tỏ ra hoài nghi về việc đưa quân sang Ukraine. Ngoại trưởng Jose Manuel Albares trước hội nghị Paris nói rằng còn quá sớm để bàn về khả năng này.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng cho biết Warsaw chưa chuẩn bị đưa quân sang Ukraine dù nước ông đã tăng cường chi tiêu quân sự mạnh từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine và là bên mạnh mẽ ủng hộ bảo vệ châu Âu trước Nga.

"Chúng tôi không có kế hoạch đưa binh sĩ Ba Lan sang Ukraine nhưng chúng tôi sẽ hỗ trợ, về mặt hậu cần và chính trị, cho các nước có thể mong muốn cung cấp các đảm bảo an ninh như vậy trong tương lai", ông Tusk nói.

Khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói đó là câu hỏi rất khó vì chưa có thảo luận thực chất nào. Ông Peskov cũng cho rằng khó nói về việc đó vì đó là quyết định của các nước NATO.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.