Mới đây, Ý đã chặn việc vận chuyển lô hàng 250.000 liều vắc xin Covid-19 của Tập đoàn dược AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) từ châu Âu sang Úc.
Theo CNBC, động thái này được thực hiện căn cứ theo quy định vừa được ban hành bởi Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, quy định cho phép các nước trong khối ngừng xuất khẩu vắc xin nếu các công ty dược phẩm không đáp ứng được các hợp đồng đã ký trước đây với các nước thuộc EU. Cũng theo quy định mới của EU, Úc không nằm trong “nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương” trong đại dịch Covid-19.
Hiện châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức trong việc triển khai chích vắc xin cho người dân thuộc 27 nước thành viên. Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng các cơ quan quản lý đã chậm trễ trong việc phê duyệt vắc xin, bao gồm cả vấn đề về sản xuất, vận chuyển và cả quy định kiểm duyệt, dẫn tới lượng tiêm vắc xin trên đầu người tại nhiều nước châu Âu thua kém hơn so với các nước phát triển khác.
Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách châu Âu Daniel Gros nhận định rằng “quá trình triển khai vắc xin Covid-19 tại châu Âu sẽ đối mặt với nhiều thách thức”.
Theo CNBC, mối quan hệ giữa AstraZeneca và EU đã phát sinh vấn đề khi tập đoàn này không đáp ứng đủ số lượng vắc xin như mong đợi trong quý 1 đầu năm nay. Một số ý kiến còn bày tỏ sự nghi ngờ về năng lực sản xuất của họ trong quý 2 tới. Hồi cuối tháng trước, giám đốc điều hành của AstraZeneca, Pascal Soriot cho biết việc thiếu hụt vắc xin là do vấn đề về năng suất và tập đoàn đang làm việc suốt ngày đêm để tăng sản lượng.
|
Cách đây không lâu, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết nước này cũng sẽ có thể lặp lại động thái tương tự Ý. Theo Reuters, bộ trưởng y tế Đức cũng nói rằng từ trước đến nay không có lý do gì để chặn các lô hàng vắc xin sản xuất tại Đức đi các nước khác.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khoảng 95% vắc xin do EU sản xuất và được xuất khẩu từ cuối tháng 1 là do Pfizer-BioNTech và Moderna cung cấp. Đồng thời bà cũng chỉ ra Mỹ và Anh cũng đã có những quy định nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu các loại vắc xin này.
Bình luận (0)