Ngập lụt diện rộng
CNN ngày 14.9 đưa tin vùng áp thấp được một số nước gọi là bão Boris đã mang lượng mưa tương đương một tháng trút xuống những thành phố ở châu Âu.
Tại Romania, ít nhất 4 người chết sau những trận mưa xối xả, ngoài ra còn hàng trăm người mắc kẹt trong các khu vực ngập lụt. Công tác cứu hộ đã được triển khai tại những nơi chịu ảnh hưởng nặng, một số nơi có lượng mưa đạt 160 lít/m². Các nhà chức trách Romania cho biết đã ghi nhận lượng mưa trong 24 giờ ở mức cao nhất trong 100 năm.
Trung Âu giữa lũ lụt nặng nề, Ba Lan tuyên bố thảm họa
TP.Galati là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Romania, với 5.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng do lũ. Các nhà chức trách đã điều động trực thăng đến thành phố này để hỗ trợ tìm kiếm và cứu hộ, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là ngăn có thêm thiệt hại về nhân mạng.
Ngoài Hungary, nhiều nước châu Âu cũng hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng, gồm CH Czech, Ba Lan, Áo, Slovakia và Hungary.
Tại CH Czech, nước sông đạt mức nguy hiểm ở hàng chục khu vực vào sáng 14.9, gây ngập lụt nhà cửa tại nhiều thị trấn. Hơn 63.000 hộ dân chịu cảnh mất điện, trong khi 100.000 lính cứu hỏa được điều động để giải quyết hàng ngàn sự cố do mưa lũ. Viện Khí tượng thủy văn CH Czech thông tin có 35 điểm ngập lụt được ghi nhận, Đài Euronews đưa tin.
Tại TP.Brno của CH Czech, một bệnh viện đã phải sơ tán bệnh nhân và nhân viên đến nơi an toàn. Cây ngã đổ và nước lũ khiến hạ tầng giao thông gián đoạn và việc di chuyển thêm phần khó khăn. Giới chức CH Czech đã dựng các rào chắn hoặc đắp bao cát ngăn lũ, đồng thời phải xả nước từ các con đập để tạo khoảng trống cho hồ chứa.
Chính quyền Áo đã ghi nhận mưa 80 lít/m² trút xuống vùng Kamptal, dự báo mưa lên đến hơn 200 lít/m². Mực nước tại sông Kamp đã đạt mức báo động. Trong khi đó, mưa lớn ở lưu vực sông Danube cũng ảnh hưởng đến những nước láng giềng Slovakia và Hungary. Giới chức Slovakia đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bratislava.
"Cơn ác mộng"
Tại thị trấn Glucholazy của Ba Lan, AFP dẫn lời cư dân Zofia Owsiaka (65 tuổi) chia sẻ bản thân thấy sợ hãi khi chứng kiến dòng nước chảy xiết của con sông Biala dâng cao tràn qua. Một cư dân khác là Piotr Jakubiec (39 tuổi) nói: "Đây là lần thứ 2 trong đời tôi chứng kiến cảnh tượng này. Thật là ác mộng cho những người sống tại đây".
Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Tomasz Siemoniak cảnh báo "điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến". Giới chức nước này khuyến cáo người dân dự trữ thực phẩm và sạc pin dự phòng nhằm chuẩn bị cho tình huống mất điện.
Người dân ở Trung Âu đã đặc biệt cảnh giác, khi các chuyên gia trước đó so sánh dự báo lũ cuối tuần qua tương đương trận lũ lụt tàn khốc tại khu vực này năm 1997 - khiến hơn 100 người chết, còn được nhiều người gọi là "cơn lũ thế kỷ".
Mưa lớn đang xuất hiện nhiều hơn ở châu Âu và những nơi khác trên thế giới, một phần do biến đổi khí hậu. Nóng lên toàn cầu khiến bầu không khí ấm và giữ nhiều ẩm hơn, qua đó gây mưa lớn hơn.
Bình luận (0)