Một cháu bé bị liệt tay mà theo phản ánh gia đình là do tắc trách của nữ hộ sinh. Thế nhưng, sự việc kéo dài đã hơn 18 tháng nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên vẫn chưa giải quyết.
|
Anh Lê Việt Tân (37 tuổi, ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, H.Đông Hòa, Phú Yên) phản ánh: Khoảng 21 giờ tối 22.11.2012, anh chở vợ là chị Trần Thị Kim Loan đến Bệnh viện đa khoa H.Đông Hòa để sinh. Tại đây, do các nữ hộ sinh nắm kéo thai nhi ra nên cháu Lê Hồng Phúc sau khi sinh bị trật khớp vai, liệt hoàn toàn cánh tay phải, tổn thương đám rối thần kinh tay phải nên phải chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) điều trị.
“Vì cháu bị như vậy nên tôi phải nghỉ ở nhà chăm sóc, liên tục đưa cháu đi khám, điều trị, rất tốn kém nhưng tay cháu vẫn chưa hồi phục được. Hiện cứ 3 tháng, gia đình phải đưa cháu vào Bệnh viên Nhi Đồng 1 tái khám. Và cũng từ đây, gia đình hết sức khó khăn”, anh Tân nói. Sau đó, Bệnh viện đa khoa H.Đông Hòa có đem 3 triệu đồng đến nhà để giúp cho cháu bé nhưng anh Tân không nhận. Sau nhiều lần làm đơn gửi Bệnh viện đa khoa H.Đông Hòa, Sở Y tế để khiếu nại về việc tắc trách của các nữ hộ sinh nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, mới đây anh Tân đã gửi đơn kêu cứu đến ông Nguyễn Thái Học, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên.
Trước sự việc này, ông Ngô Đình Quốc, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa H.Đông Hòa cho rằng, trường hợp cháu Phúc bị trật khớp vai, liệt hoàn toàn cánh tay phải, tổn thương đám rối thần kinh tay phải là do tai biến sản khoa vì thai nhi quá to. Tuy nhiên, ông Quốc thừa nhận là nếu không có ca sản phụ khác đang đẻ mổ thì chị Loan có thể được chỉ định đẻ mổ do thai to (4,3 kg). “Chị Loan đã 2 lần sinh bình thường nên tiên lượng và cho sinh thường là đúng, nhưng diễn biến quá trình sinh của chị Loan quá bất ngờ”, ông Quốc thanh minh.
Còn ông Phan Văn Thiền, Chánh thanh tra Sở Y tế Phú yên cho rằng, thẩm quyền giải quyết vụ việc trên là Bệnh viện đa khoa H.Đông Hòa. “Sở Y tế đã triệu tập hội đồng khoa học công nghệ của ngành để xử lý chuyện này. Hội đồng đã kết luận là tai biến sản khoa. Tuy nhiên, hiện chưa có kết luận cuối cùng nên chưa thể trả lời là y sĩ, bác sĩ kíp trực đó có tắc trách hay không!”, ông Thiền nói và cho biết thêm: “Trường hợp sản phụ Loan xảy ra cấp thiết, thời gian không có nên nên khó làm khác được (thời gian nhập viện đến khi sinh chỉ có 35 phút). Trong thời điểm này, kíp trực đang thực hiện một ca mổ sinh, nhưng bệnh viện chỉ có 1 phòng mổ. Vì vậy, bệnh viện trở tay không kịp. Đây là trường hợp bất khả kháng, nếu có tiên lượng được cũng không có cách nào làm khác”.
Đức Huy
>> Áp dụng kỹ thuật vi phẫu điều trị liệt tay ở trẻ sơ sinh
>> Bệnh tê yếu rồi liệt tay chân
>> Cứu sống trẻ sơ sinh đẻ rớt ngoài công viên
Bình luận (0)