'Cháu ông chú Viettel' bị bắt, em của ‘chị gái Viettel’ xuất hiện

11/12/2015 14:35 GMT+7

Sau khi “cháu của ông chú ở Viettel” bị bắt thì nay lại xuất hiện thêm hình thức lừa đảo “chị gái làm ở Viettel”.

Sau khi “cháu của ông chú ở Viettel” bị bắt thì nay lại xuất hiện thêm hình thức lừa đảo “chị gái làm ở Viettel”.

Cú pháp mà em của "chị gái làm ở Viettel" thực chất là cú pháp dịch vụ tặng/nạp thẻ cho số thuê bao khác của Viettel - Ảnh chụp màn hìnhCú pháp mà em của "chị gái làm ở Viettel" thực chất là cú pháp dịch vụ tặng/nạp thẻ cho số thuê bao khác của Viettel - Ảnh chụp màn hình

Trong năm 2014, hình thức lừa đảo nạp thẻ để nhận khuyến mại gấp 10 - 20 lần do “cháu ông chú Viettel” khởi xướng trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội đã được cơ quan công an triệt phá. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lại xuất hiện em của “chị gái làm ở Viettel”.
Em của “chị gái ở Viettel" chào mời: “Thông tin mới lộ ra do chị gái mình làm ở Viettel thì Viettel đang có chương trình khuyến mãi đặc biệt x10 thẻ nạp cho tất cả nhân viên Viettel nhân dịp năm mới”.
Theo đối tượng này, tin chỉ có trong Viettel mới biết vì chị gái mới chia sẻ. “Mình thử nạp 1 thẻ 50 nghìn có ngay 500 nghìn đồng. Mua thêm thẻ 200 nghìn nạp tiếp, tài khoản mình có ngay hơn 2 triệu đồng”, đối tượng này dụ dỗ.
Để chứng minh thông tin mình đưa ra là thật và để thuyết phục nhiều người, em của “chị gái làm ở Viettel” còn sử dụng hình ảnh có nội dung tài khoản lên đến triệu đồng.
Đừng hoa mắt của “trời cho”
Từ thông tin trên, đại úy Nguyễn Nam Hào (Cơ quan CSĐT Bộ Công an) khuyến cáo, người dân cần tỉnh táo và xác định rõ không có cái gì là miễn phí, cho không biếu không. Nếu có lợi ích vật chất như thế thì cũng không ai đi chia sẻ rộng rãi cho mọi người cùng hưởng lợi, nên người chia sẻ thông tin luôn luôn có ý đồ, có mục đích hưởng lợi.
Cũng theo đại úy Nguyễn Nam Hào, thực tế cho thấy, nạn nhân sập bẫy chiêu lừa trên hầu hết là người dùng nhẹ dạ cả tin, hoa mắt trước phần thưởng “trời cho” nên vội vàng làm theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo.
Em của "chị gái làm ở Viettel" đang hoành hành trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình
Ông Hào cho rằng, phải thận trọng hơn trong việc kết bạn qua mạng xã hội và các phần mềm điện thoại liên lạc miễn phí như Zalo, Viber; cẩn thận hơn với những người trong danh sách bạn bè, kiểm tra lại về thông tin cá nhân, mối quan hệ về những người nhắn tin cho mình. Vì hầu hết kẻ lừa đảo đều tìm cách kết bạn với nhiều người qua tài khoản mạng xã hội như Facebook, Twitter, nhắn tin miễn phí qua các ứng dụng Zalo, Tango, Viber... sau đó sẽ tìm cách chat với những người thân trong danh sách bạn bè và cung cấp thông tin khuyến mãi. Nhiều người dùng chủ quan tưởng người quen của mình nên đã tin theo và sập bẫy.
Đại úy Hào phân tích, theo quy định tại Thông tư số 11/2010/BTTTT của Bộ Thông tin và truyền thông quy định hoạt động khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động thì tổng giá trị của dịch vụ, hàng hóa chuyên dùng thông tin di động dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của dịch vụ, hàng hóa chuyên dùng thông tin di động được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại quy định tại Điều 7 Nghị định 37/2006/NĐ-CP. Do đó việc khuyến mại "khủng" như thông báo của những kẻ "có ông chú, bà cô, bà chị ở Viettel" thì không bao giờ đúng thực tế.
Khi nhận được các thông tin thông báo về việc khuyến mại, hoặc những thông tin về việc tiết lộ các bí mật kiểu như trên, người nhận được thông tin không nên vội vàng làm theo mà cần tư vấn, trao đổi thêm với bạn bè, người thân, đặc biệt là những người có am hiểu về pháp luật để không phải bị mắc lừa hoặc gọi hỏi tổng đài trực tiếp của nhà mạng đó để biết chính xác nội dung khuyến mại, trúng thưởng có phải lừa đảo hay không.
“Nếu có nhiều người quen biết cùng nhận được các thông tin tiết lộ khuyến mại và đề nghị nạp card như nhau, cần thông báo cho những người làm công tác pháp luật hoặc báo cho lực lượng công an để có biện pháp xử lý những kẻ lừa đảo theo quy định pháp luật”, ông Hào nói.
Làm theo sẽ mất tiền
Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, đại diện truyền thông của Viettel cho biết, cú pháp “*103” thực chất là thao tác nạp và chuyển tiền đến một thuê bao khác. Ở đây chuỗi số đằng sau như hình ảnh mô tả chính là số điện thoại của kẻ lừa đảo nhằm ăn cắp tiền của người dùng. Bởi lẽ, đầu số “103” là mã dịch vụ mà Viettel cung cấp để cho các thuê bao nạp tiền cho nhau.
Đại diện của Viettel cho biết đã không ít lần Viettel có những cảnh báo gửi đến khách hàng về hành vi lừa đảo như trên. Cú pháp mà đối tượng nhắc tới: *103*84168xxxxxxxx*mã thẻ#OK, thực chất chính là cú pháp dịch vụ tặng/nạp thẻ cho số thuê bao khác của Viettel. Trong đó, số 849xxxxxxxx chính là số của đối tượng lừa đảo. Khi khách hàng làm theo hướng dẫn, thẻ nạp sẽ được nạp cho tài khoản của đối tượng.
Cũng theo Viettel, mọi thông tin về chương trình khuyến mại của Viettel đều được đăng tải trên website chính thức của công ty. Khách hàng cũng có thể gọi lên tổng đài của Viettel để được hỗ trợ trực tiếp. Ngoài ra, khách hàng đang sử dụng dịch vụ lưu ý không thực hiện theo các hướng dẫn từ các nguồn không chính thống để tránh bị lừa đảo ngoài ý muốn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.