‘Châu Phi nghìn trùng’ qua áng văn trác tuyệt của Isak Dinesen

16/05/2021 14:00 GMT+7

Nếu là người mê say tìm kiếm vẻ đẹp và sự biến ảo khôn lường của ngôn từ, ta sẽ không thể bỏ qua cuốn sách phi hư cấu Châu Phi nghìn trùng của nữ nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen (NXB Phụ nữ Việt Nam).

Không chỉ thế, đọc Châu Phi nghìn trùng, những hình ảnh lộng lẫy về Phi châu với thiên nhiên, con người và văn hóa, qua ngòi bút tài tình của Isak Dinesen, sẽ khiến ta ước một lần trong đời được đặt chân tới đó, để trải nghiệm dù chỉ một phần nhỏ những gì mà tác giả ghi nhận trong sách.
Những năm tháng sinh sống ở châu Phi, cùng người dân bản xứ với triết lý sống, nét văn hóa hoàn toàn trái ngược dân Bắc Âu nói riêng và Âu châu văn minh nói chung, đã in hằn ký ức đậm sâu, tạo thành nỗi nhớ thương khôn kham trong trái tim đa cảm của Isak Dinesen, khiến bà, sau một thời gian khá lâu rời khỏi châu Phi, đã chưng cất nỗi nhớ ấy thành tác phẩm trác tuyệt Châu Phi nghìn trùng. Cũng là một người cầm bút, tôi thấy mình cần cảm ơn bà, bởi đã bằng tình yêu và tài năng của mình, tạo nên một tác phẩm mà mỗi trang viết đều khiến tôi rung cảm xúc động, hoặc dừng lại, nhắm mắt, thưởng ngoạn sâu hơn ý tứ lạ lùng hoặc một hình ảnh sắc nét đã phá tung hình dạng những con chữ mà hiển hiện thật sự ngay trước tôi, khiến tôi dường như có thể đưa tay chạm vào. Sức mạnh của ngôn từ mà Isak Dinesen sử dụng có thể khiến bất cứ trái tim nào xốn xang, khiến ta thực muốn "nhảy ngay" vào bối cảnh ấy để được trải nghiệm như bà.
Ta luôn có thể đồng cảm với niềm say sưa của tác giả, khi bà viết: “Tôi từng thấy loại sư tử cao sang dưới ánh trăng tà, trước lúc vầng hồng ló rạng, đang băng ngang qua thảo nguyên màu xám để về nhà từ cuộc giết chóc, vạch một lằn sậm trên mặt cỏ bạc, mặt còn đỏ tới tận tai. Và tôi cũng bắt gặp chú vào giờ chợp mắt xế trưa, đang nghỉ ngơi thư thái giữa gia đình, tại bãi cỏ non, dưới bóng mát mong manh tựa mùa xuân của cây keo tán rộng nơi khu vườn châu Phi của mình…”; “Giữa hoang dã tôi đã học được cách tránh làm ra những cử động đột ngột. Chẳng con vật nuôi nào có thể im lìm tuyệt đối như hoang thú. Con người của văn minh đã đánh mất khả năng giữ cho mình bất động, và phải học điều này từ hoang dã trước khi được nó chấp nhận…”.
Vẻ đẹp, sức mạnh và sự phong phú của ngôn từ mà Isak Dinesen trải ra trên từng trang giấy được bắt nguồn từ năng lượng tình yêu bà dành cho châu Phi. Sức mạnh ấy có thể dịch chuyển số phận của một sinh linh nhỏ bé dưới đáy của đau khổ Phi châu như nhân vật Kamante. Ta có thể thấy một sinh linh tội nghiệp bị giày vò đến tận cùng trong bàn tay thần Chết, thậm chí không thể chết, mà phải tồn tại để hứng hết thảy những đau đớn kinh khủng nhất thế gian này có thể tạo ra. Kamante dường như chấp nhận số phận đó của mình, “sống thuận hòa cùng vận mệnh, cả đời nằm trong bàn tay nó” cho đến khi được chữa lành, được cứu thoát. Và không chỉ có thế, cậu bé châu Phi này đã có một lựa chọn phi thường, trở thành một đầu bếp tài ba, một “ông vua” thực sự trong căn bếp của cô chủ Isak Dinesen, chế được những món ngon đỉnh cao mà thậm chí cậu chẳng thể nếm bởi trong con mắt cậu, cũng như người bản địa, đó chẳng khả dĩ có thể được gọi là thức ăn.
Nhân vật Kamante, mà tác giả dành nhiều tâm huyết để dựng lên một tính cách đặc sắc nhất, khiến tôi nhớ đến nhân vật Kim một vú trong tác phẩm Phong nhũ phì đồn của Mạc Ngôn. Ở họ, đều có một điểm phi thường, đó là vượt qua mọi định kiến của người đời về vẻ bên ngoài khó có thể chấp nhận, họ tỏa sáng mãnh liệt và tự tin phô bày bản thể duy nhất đó, chói lọi tới mức ta phải hoa mắt và tự hỏi, chính ta là ai, ta được Chúa (hoặc Trời, Phật) ban cho những gì, mà tại sao không có nổi một phần cái sức mạnh thiêng liêng mà Kamante hay Kim một vú có được?
Tác giả đã tận dụng vai trò chủ đồn điền ở Phi châu của mình, để tác động tích cực vào những số phận Phi châu chạm đến bà, và ngược lại, tận hưởng sâu sắc những tác động ngược trở lại của Phi châu với bà, dù đó là cậu bé Kamante tội nghiệp với dung mạo kỳ dị, hay đó là một nàng linh dương được bà chuộc từ tay lũ trẻ đi săn, lớn lên trở thành một tạo vật tuyệt mỹ nhất, khiến cho ngôi nhà của bà trên thảo nguyên Phi châu thành một nơi hấp dẫn và khác biệt hẳn, hay nói cách văn vẻ hơn, làm nên tâm hồn cho ngôi nhà.
Isak Dinesen thấy ngạc nhiên, khi mỗi ngày bà lại học được những điều mới mẻ, khác biệt từ Phi châu hoang dã, thông qua những gia nhân, hay thú hoang mà bà dạy dỗ trong nhà. Bà kinh ngạc nhận ra, trong những số phận khốn cùng người bản xứ chạy đến với bà “với người da đen thì vận mệnh ở một chừng mực nhất định, chính là mái ấm, là bóng tối quen thuộc trong lều, là tầng đất sâu tơi xốp cho bộ rễ của mình”; “Tuy nhiên khi đã biết người bản xứ, chính đây lại là phẩm chất tôi ưa thích nhất ở họ. Họ có lòng dũng cảm đích thực: ấy là niềm thích thú thuần nhất với hiểm nguy, tiếng đáp chân chính của con người trước lời tuyên cáo từ số phận, âm vọng từ Trái Đất khi thiên đường cất tiếng gọi”. Bà có thể thả hồn vào không chỉ cảnh sắc thiên nhiên, mà cả những cánh đồng hoang tâm hồn người bản địa, và đó không chỉ là “suối nguồn phơi phới cho những thời khắc nhàm chán chốn đồn điền”, mà còn là giá trị nhân văn sâu sắc bà tạo ra trong tác phẩm Châu Phi nghìn trùng.
Một trong những đặc điểm của Isak Dinesen trong Châu Phi nghìn trùng, đó là bà ưa dùng câu phức, với lối so sánh ẩn dụ và dùng không ít điển tích Kinh Thánh hay văn học cổ, thêm vào đó là lối châm biếm bóng bẩy nhẹ nhàng. Những lối tung hứng chơi chữ kỳ thú của bà trong tác phẩm này không hề dễ, nhưng đã được dịch giả Hà Thế Giang cầu kỳ tỉ mẩn đẽo gọt trong ngôn ngữ Việt, chuyển dịch được gần như đủ đầy vẻ đẹp, sự giàu có về hình ảnh và biểu cảm của ngôn ngữ trong nguyên tác.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.