H.Châu Thành (Hậu Giang) có 6 xã: Đông Thạnh, Đông Phú, Đông Phước, Đông Phước A, Phú Hữu, Phú Tân và 2 thị trấn Ngã Sáu (huyện lỵ), Mái Dầm. Châu Thành là vùng đất chằng chịt sông rạch nên công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn gặp nhiều khó khăn.
Những tháng năm vượt khó
Thách thức không nhỏ, nhưng với sự hỗ trợ của tỉnh, doanh nghiệp và nhất là sự đồng thuận cao của mỗi người dân địa phương nên công tác xây dựng NTM của H.Châu Thành sớm thu hoạch "quả ngọt".
Ngày 10.10.2015, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã tham dự lễ công bố Đông Thạnh, xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của H.Châu Thành. Phát biểu trong chương trình lễ, ông Nguyễn Liên Khoa, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh Đông Thạnh là xã thuần nông, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 75%, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Song, từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Đông Thạnh đã nỗ lực phấn đấu vươn lên. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phát triển nhanh, cảnh quan môi trường thông thoáng. Nếu như năm 2011 Đông Thạnh có bình quân thu nhập 15,5 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2015 đã lên con số 29,3 triệu đồng/người/năm. Năm 2011, toàn xã có 11,6% hộ nghèo thì đến năm 2015 giảm xuống còn 4,2%.
Đông Thạnh mở mũi tiên phong và những năm sau đó các xã Đông Phú, Đông Phước A, Đông Phước, Phú Hữu lần lượt về đích xây dựng NTM. Ông Nguyễn Tấn Trung, Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành, cho biết những năm qua, nhiều hộ dân ở Châu Thành đã tự nguyện hiến đất đai, vườn tược, góp công, góp của chung sức xây dựng NTM. Những tháng năm vượt khó và bao tấm lòng của người dân, doanh nghiệp dành cho quê hương Châu Thành không thể nào kể hết được. Năm 2024, Phú Tân, xã cuối cùng của Châu Thành sẽ về đích NTM; 2 xã Đông Thạnh, Đông Phước A nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí xã NTM nâng cao.
Nông thôn mới, cuộc sống mới
Giờ đây, ô tô đã về đến tận xóm ấp của H.Châu Thành. Nước sạch, điện lưới quốc gia luôn hiện diện trong mỗi hộ gia đình nông thôn. Nguồn rác thải được xử lý rốt ráo và cảnh quan môi trường ngày càng tươi tắn. Mô hình sinh kế mới, đa dạng, hiệu quả đã mang lại cuộc sống đầy đủ hơn cho từng người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT, Phó chánh Văn phòng NTM H.Châu Thành, toàn huyện hiện có hơn 10.660 ha đất canh tác cây ăn trái, trong đó phần lớn trồng chuyên canh mít, chanh không hạt gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh cây mít và chanh không hạt, những năm gần đây, Châu Thành còn phát triển thêm mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng, rau ăn lá theo công nghệ sạch, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông hộ. Đặc biệt, ở chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), đến nay, Châu Thành đã có 38 sản phẩm OCOP trong đó 13 sản phẩm 3 sao, 25 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm OCOP xuất phát từ nông thôn Châu Thành đã mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, đồng thời lan tỏa đi nhiều nơi với giá trị thương phẩm cao.
Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND H.Châu Thành, nhấn mạnh trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, năm 2024 này trọng tâm là xã Phú Tân được công nhận NTM và phấn đấu xã Đông Phước A cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao, phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM.
Cũng theo ông Võ Quốc Sử, thời gian tới, H.Châu Thành tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM. Toàn huyện triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Công tác xây dựng NTM tựu trung vẫn là tăng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo; nâng lên chất lượng giáo dục, y tế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao hiệu quả việc sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa của nhân dân; đảm bảo chất lượng môi trường nông thôn, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững…
Bình luận (0)