Các bài tập aerobic cường độ cao như chạy bộ sẽ khiến các cơ quan nội tạng tiêu thụ nhiều đường glucose hơn. Hệ quả của quá trình này sẽ làm giảm nguồn cung glucose cho khối u ung thư, từ đó giảm nguy cơ di căn, theo báo The Jerusalem Post (Israel).
Chạy bộ có thể giảm đáng kể nguy cơ khối u ung thư di căn |
SHUTTERSTOCK |
Trong nghiên cứu đăng trên chuyên san Cancer Research, các tác giả đã thử nghiệm trên cả người và chuột. “Chúng tôi quyết định nghiên cứu sâu bên trong cơ thể của cả người và chuột”, giáo sư Carmit Levy, chuyên gia Khoa di truyền học và phân tử người tại Đại học Tel Aviv (Israel), cho biết.
Với chuột thí nghiệm, họ cho chúng chạy bộ vài phút mỗi ngày và phân tích cơ quan nội tạng sau khi chạy. Họ phát hiện cơ bắp lũ chuột tiêu hao rất nhiều đường glucose khi chạy. Thậm chí, các cơ quan nội tạng phải hoạt động để tận dụng lượng đường glucose còn sót lại trong máu. Nhờ đó, đưa cơ thể vào trạng thái mà các nhà nghiên cứu gọi là “siêu trao đổi chất”.
Hệ quả của tình trạng này là giảm nguồn cung glucose cho tế bào ung thư. Trong nghiên cứu trên chuột, tế bào ung thư gan, hạch bạch huyết và phổi thiếu dinh dưỡng sẽ bị giảm đáng kể khả năng di căn.
Sau đó, các tác giả đã đối chiếu nghiên cứu này với các dữ liệu dịch tễ học của khoảng 3.000 người. Tất cả được theo dõi sức khỏe trong 20 năm và đều chạy bộ từ 2 giờ/tuần trở lên. Kết quả cho thấy nguy cơ di căn ở những người bị ung thư có tập luyện chạy bộ thấp hơn đến 72% so với người không chạy.
Các nhà khoa học giải thích rằng khi tập luyện chạy bộ, mức độ tiêu thụ đường glucose tăng lên rất nhiều. Chính điều này đã làm hạn chế nguồn glucose cung cấp cho khối u và hạn chế khả năng di căn, tức lan sang bộ phận khác, của ung thư.
Trong nghiên cứu, giáo sư Levy và các cộng sự chỉ thực hiện trên các bệnh nhân chạy bộ. Trong tương lai, họ dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu trên các hình thức tập luyện thể chất khác để kiểm tra tác động của chúng với ung thư di căn, theo The Jerusalem Post.
Bình luận (0)