Chạy bộ là một hình thức tập luyện giúp cải thiện chức năng tim mạch cực kỳ hiệu quả. Không những vậy, chạy còn làm tăng sức mạnh và hiệu quả hoạt động của tim, cải thiện khả năng cung cấp oxy và tăng lưu thông máu đến các mô trong cơ thể, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Đối với người bị huyết áp cao thì chạy bộ thậm chí còn mang lại lợi ích lớn hơn. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy chạy thường xuyên làm giảm đáng kể mức huyết áp khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, mức độ giảm lại khác nhau tùy từng người vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, cường độ tập và tổng thời gian tập.
Huyết áp cao là một trong những yếu tố chính dẫn đến bệnh tim. Do đó, giảm huyết áp cũng đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ phát triển các vấn đề liên quan đến tim.
Không những vậy, duy trì thói quen chạy bộ thường xuyên còn giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, giảm viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nếu tập luyện chăm chỉ cộng với chế độ ăn phù hợp, người chạy bộ thậm chí có thể giảm cân và giảm lượng lớn mỡ thừa.
Trên thực tế, không chỉ chạy bộ mà bất kỳ loại bài tập cardio nào, chẳng hạn đi bộ, đạp xe, bơi lội hoặc nhảy dây, đều có thể giúp giảm huyết áp, giảm cân và cải thiện chức năng tim mạch.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này. Cường độ tập được khuyến nghị để ngăn ngừa bệnh tim là tập ở mức độ vừa phải ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Tất nhiên, đây là mức tối thiểu và người tập hoàn toàn có thể tập nhiều hơn tùy theo điều kiện thể chất, thời gian và các yếu tố khác.
Ngoài ra, một điều quan trọng người tập cần lưu ý là phản ứng của mỗi người đối với chạy bộ có thể khác nhau. Bất kỳ kế hoạch tập luyện mới nào, dù là chạy bộ, nâng tạ hay chơi các môn thể thao khác, cũng cần bắt đầu một cách từ từ và dần nâng cường độ lên. Nếu chỉ mới bắt đầu mà tập với cường độ quá cao không chỉ gây quá sức mà còn làm tăng nguy cơ chấn thương, theo Healthline.
Bình luận (0)