Chạy chức, chạy quyền “đẻ” ra tham nhũng

30/03/2016 06:18 GMT+7

Tiếp tục thảo luận tại hội trường ngày 29.3 về công tác nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội đề nghị phải sớm có giải pháp đặc trị đối với tội phạm “chạy chức, chạy quyền”; kỷ luật, cách chức cán bộ làm sai, vi phạm pháp luật...

Tiếp tục thảo luận tại hội trường ngày 29.3 về công tác nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội đề nghị phải sớm có giải pháp đặc trị đối với tội phạm “chạy chức, chạy quyền”; kỷ luật, cách chức cán bộ làm sai, vi phạm pháp luật...

Ảnh: TTXVNẢnh: TTXVN
Đánh giá chung về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Thủ tướng, Chính phủ; Chủ tịch nước, Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND tối cao, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ghi nhận nỗ lực, kết quả đạt được như kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống người dân được cải thiện, an ninh trật tự được đảm bảo… tuy nhiên, cử tri cả nước vẫn còn nhiều trăn trở, bức xúc.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình - ảnh) thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. “Cử tri và nhân dân rất bức xúc và thường xuyên kiến nghị Chính phủ cần quan tâm ngăn chặn đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp. Gần đây, Tổng bí thư có nêu khái niệm mới là "chạy luân chuyển". Điều đó có nghĩa là có chính sách gì mới thì lại có chạy chọt”, ĐB Phương phản ánh. Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ biết nhưng theo ĐB Phương, vì không gắn với trách nhiệm của ai nên “câu hỏi chạy ai, ai chạy vẫn chưa trả lời được”.
Trong khi đó, theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nạn chạy chức, chạy quyền cứ râm ran hết khóa này đến khóa kia, nói mãi nhưng không ai làm, nói một đằng làm một nẻo khiến cử tri hết sức bức xúc. Hành vi này không chỉ gây ra bất công lớn trong xã hội, mà còn “đẻ” ra tham nhũng. Nguyên nhân, theo ĐB vấn đề nằm ở công tác đánh giá năng lực và đạo đức của cán bộ. Thời gian qua, cách làm, báo cáo của bộ, ngành quá chung chung nên để khắc phục cần phải đi thẳng vào sản phẩm công vụ của từng người nhưng phải trọng dụng cán bộ giỏi, có chuyên môn cao. Vấn đề không phải là “cán bộ đút chân gầm bàn”, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, mà có sản phẩm gì không, có chất lượng hay không. “Nhưng cũng đừng dùng cán bộ tốt xong rồi bỏ rơi họ”, ĐB Đương đề nghị.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng trách nhiệm chống tham nhũng không thể “đổ” hết cho Chính phủ mà là của cả hệ thống chính trị. “Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây cần cải cách cách thức điều hành, Thủ tướng mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các bộ trưởng, thứ trưởng, các phó chủ tịch, chủ tịch UBND các tỉnh có sai phạm và không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ và chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm ngơ trong hành pháp”, ông Nghĩa gửi gắm nhiệm kỳ tới.
Chống tham nhũng, Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào ?
Đánh giá cao vai trò của Chủ tịch nước với hình ảnh thân thiện, gần gũi và đầy nhiệt huyết, tuy nhiên ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết cử tri rất trăn trở về vai trò, vị trí của Chủ tịch và Phó chủ tịch nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
“Cử tri cũng nói với tôi Chủ tịch và Phó chủ tịch nước khi đi làm việc tại địa phương, gặp gỡ cử tri luôn luôn thể hiện thái độ rõ ràng, căm ghét những kẻ tham nhũng. Tuy nhiên cử tri cũng hỏi không biết Chủ tịch, Phó chủ tịch đứng ở vị trí nào, quyền hạn gì trong trận chiến đấu tranh chống lại tham nhũng. Chủ tịch nước làm được gì và được làm gì để chống tham nhũng hiện nay”, ĐB Sơn phát biểu và đề nghị QH khóa tới cần sớm nghiên cứu xây dựng luật chế định Chủ tịch nước để giải quyết câu hỏi này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.