Có lẽ cái tên “Sa Huỳnh” khai sinh từ màu cát khá đẹp này. Đây cũng là “giang sơn” của loài còng chạy nhanh như gió.
Đào hang bắt còng
Ca dao Sa Huỳnh xưa có câu: “Sớm mai lên núi quơ củi đốt than/Chiều về xuống biển đào hang bắt còng”. Còng không chỉ là thức ăn của dân làng chài mà còn là “đối tác” của những cuộc vui bất ngờ. Khách lạ về chơi, rủ chạy còng một lần là thân thiện. Bạn về thăm quê, hú nhau chạy còng cũng là để... chạy về miền ký ức. Sau họp lớp, gọi nhau chạy còng để “tour” lại cái thời “trẻ biển” trên bãi cát quê nhà.
Nguyên, một học trò cũ của chúng tôi sống ở đây trả lời rành rọt: Có hai loại còng, còng quạt và còng cơm. Còng quạt hay lạy ông tôi ở bụi này khi “vẽ” hình cái quạt nan trên miệng hang, rất dễ nhận biết. Chúng ăn phiêu sinh vật ở vùng chân sóng. Mồi “chuẩn sạch” nên thịt rất ngon. Còn còng cơm tự “tù đày” mình trên bãi, gặp gì ăn nấy nên bị chê dơ, không ai đụng tới.
Hang còng lắt léo như địa đạo. Ai đã đào còng đều thấy câu này còn... hơn cả đúng. Gặp hang còng đừng tưởng đào đâu trúng đó. Cho tay vào hang, có khi tới nách vẫn chưa đụng còng. Đào thêm thì phát hiện ngách. Còng ép mình trong đó. Bị lôi ra, có con quẫy đạp, có con ranh mãnh giả chết. Thấy còng nằm xuội lơ thì có người cũng lơ. Chính lúc đó còng vùng chạy. Có con tinh quái hơn, đào ngách ăn thông lên miệng hang “dự bị” để dễ chuồn êm. Dân đào còng thường nhờ chó “khống chế” hang thứ 2 này. Nếu không, còng sẽ tẩu thoát, mặc cho người đào cứ lui cui làm cái việc dã tràng xe cát.
Không có sức đào, một số người bẫy còng. Chạng vạng, đào hố nhỏ trên bãi, đặt xô nhựa xuống ngang miệng hố, thả vào đó mấy con cá chết rồi về. Còng phát hiện mùi tanh tìm tới rồi lọt xô. Sáng mai thăm bẫy, ít gì cũng được vài chục con.
|
Bắt còng khỏe hơn thể dục
Đủ là ngư dân “cận bờ”, khỏe mạnh nhưng rất cục mịch. Người làng thường gọi anh là Đủ “còng”. Có lý do đấy! Nhưng để nói cái “khác người” của anh này trước đã.
Hơn nửa đời rồi, anh Đủ chỉ gắn bó với thuyền thúng, mái dầm và tay lưới. Sớm chiều anh lui cui trên vùng biển gần bờ, thu nhập đủ nuôi mẹ già và đứa em gái tên Đầy chuẩn bị lên lớp 12. Ai khuyên anh ra khơi, thu nhập cao hơn, anh nói ba tui (một ông giáo làng) khi còn sống hay nói biết đủ là đủ. Tàu to, phí tổn nhiều, đi biển xa nhiều thứ hên xui.
Anh rất ghét thể dục. Kiểu như dạo biển thì quơ tay quơ chân nhẹ hều. Đứng thì ẹo qua ẹo lại như diễn, thấy bắt mệt. Theo anh, đào còng, đuổi bắt còng vừa có ăn, vừa có tiền (50.000 đồng/kg), vừa luyện tay chân nhanh nhạy, còn hơn thể dục ngàn lần. Còng nó chạy lắt léo kệ... cha nó, mình bình tĩnh, đừng có rối mà chéo chân ngã giập mặt. Cứ chạy nhưng “hạ ga” một chút, nó tự nhiên quay ngoắt lại, mình chụp là dính chấu. Người ta nói còng lanh, chạy nhanh như gió. Tui bắt được tức tui là sư phụ nó. Hứng lên, Đủ tuyên bố: “Đội bóng xã mà giao cho tui, tui “huấn liện” đi bóng kiểu con còng, vừa nhanh, vừa quanh vừa quéo thì đối thủ chỉ có nước trẹo chân, té lên té xuống. Mình tha hồ làm bàn”.
|
|
Ngày mưa lạnh, trái gió trở trời, còng ít đi. Bắt còng trong thời tiết này thì cái que cũng không có. Nhưng Đủ đi là có. Anh xách về cả xô còng, dặn mẹ đừng thấy còng hiếm mà lên giá. Nhà mình vậy là đủ rồi!
Đi đánh cá về, thuyền thúng vừa chạm cát bờ kêu cái “rẹt” là Đủ nhảy xuống, một mình hì hục kéo thúng lên bãi. Bán xong vài ký cá, làm sơ sơ 6 chén cơm, đợi con nước rút là anh xuống bãi bắt còng. Nhiều khi bắt không phải để bán. Anh hay cho những nhà nghèo khó (không có con trai) ngụ cư ven bãi. Lý do của anh thật cực đoan: Con trai làng chài mà không bắt được còng thì... không thể tha thứ! Chua hơn, anh còn nói con trai chỉ biết nhai còng người ta cho thì chỉ là “con” thôi, chất “trai” không có.
Muốn anh đỡ vất vả, Đầy nhiều lần khuyên, anh bơi thúng bắt cá là nhứt rồi. Còng thì lâu lâu thôi. Đi biển về là còng. Đã bắt còng ngày, còn liên tục “chỉ huy” lũ nhỏ hàng xóm chạy còng đêm. Bắt còng cong lưng đó. Đủ cười, thì còng bắt anh... bắt còng mà. Em gái lại dọa: “Chạy còng thì phải khom lưng. Khom lưng nhiều thì hại thận. Anh chạy tuần một lần thôi, liên tục là đổ bệnh đó. Từ chạy còng đến chạy thận gần lắm”.
Vừa thương em vừa ngán căn bệnh đáng sợ này, Đủ nghỉ được nửa tháng. Rồi ngứa tay ngứa chân, lại thấy anh gõ xô lụp bụp, hú lũ trẻ: “Tối nay chạy còng bay ơi!”.
Những chuyện vừa kể trên cho thấy, cái tên Đủ “còng” thật có lý!
Ngủ bãi, chạy còng
Tôi hồi nhỏ, anh cho theo nhóm chạy còng nhưng dặn chỉ bắt còng ngủ chứ đừng chạy. Tôi chỉ việc cầm đèn pin soi kỹ để tóm những “em” nằm hớ hênh, trên mình chỉ phủ sơ vài ba chút cát. Có lần tôi gào khóc vì bị còng kẹp tay, máu chảy nhiều. May mà anh đem theo “thuốc” xức (“thuốc” là bợn dừa, cạo từ bẹ dừa non, cầm máu rất nhanh).
|
Mùa hè, trai làng hay ôm chiếu xuống ngủ bãi. Nói là ngủ chứ thực ra là tụ tập chạy còng. Khi còng no mồi rồi bỏ hang đi tìm bạn tình là lúc những tốp chạy còng đèn đuốc sáng trưng bắt đầu hành sự. Một người cầm đèn pha chạy dọc mép sóng xua còng chạy lên. Bốn năm người khác đuổi bắt còng, reo hò inh ỏi. Lũ còng láu cá cứ chạy vòng vèo. Có khi hai người cùng lao vào một con còng và cái kết là còng... thoát chết. Còn hai kẻ “đồng điệu” kia, người thì bươu đầu, kẻ thì mẻ trán.
Nhớ thuở không đèn pin, chạy còng bằng đèn gió (chế dầu vô một đoạn ống tre, nhét giẻ vô rồi đốt, gió nhiều đèn vẫn không tắt). Chạy xong, mặt ai cũng sạm đi vì dính muội đèn. Buồn cười hơn là lỗ mũi đứa nào cũng đóng bợn đen thui vì ám khói. Có đứa đang đuổi còng bất ngờ quần đùi đứt dây thun. Nhưng trót mê còng, cu cậu vứt quần, để lòng thòng mà chạy. Rất vui! Và cũng rất hồn nhiên.
Có cách chạy bắt được nhiều còng nhất là chạy bằng lưới. Hai người, mỗi người nắm một đầu lưới chuồn (dài cỡ 5 mét) có kẹp chì phía dưới rồi chạy nhanh dọc theo mép sóng. Lũ còng dính lưới hàng loạt. Giờ chúng mới thấy tám cẳng hai càng chỉ thêm vướng, vì càng giãy giụa càng bị lưới bó chặt.
Khuya, biển ngả màu đen, yên lặng và huyền bí. Nhưng bãi cát thì xôn xao lắm. Lửa bập bùng soi từng nhóm nấu các món còng. Mát ruột mát gan là món cháo còng “kinh điển”. Món còng sả ớt béo ngậy. Món còng chiên mắm thơm lừng... Anh Đủ ghé từng nhóm, húp miếng cháo của nhóm này, bốc con còng chiên của nhóm kia. Mặt anh vui như đứa trẻ được quà.
Quá nửa đêm, bãi cát vẫn còn tiếng nói rì rầm. Một anh đang ngủ bỗng đứng phắt dậy, nhảy loi choi vì có ai đó chơi nghịch, bỏ còng con vô quần.
Lũ trẻ Sa Huỳnh lớn lên rồi đi xa, mỗi lần nhớ nhà là nhớ luôn “món” chạy còng, “đặc sản” vùng quê biển. Có dịp ngồi với nhau trên bãi, đứa thì kể còng bò vào giấc chiêm bao của tao, đứa thì nhắc chuyện bị bỏ còng con vào quần nhột muốn chết. Một đứa hóm hỉnh: “May cho mày. Nó mà bỏ còng lớn vô quần, liệu mày có còn là đàn ông nữa không?”.
Cả nhóm cười vang, tiếng cười tan vào tiếng sóng.
Bình luận (0)