“Cháy” phòng khách sạn, giá tăng cao
Đại diện các công ty lữ hành cho biết, đến thời điểm hiện tại, gần như 100% tour dịp lễ đã kín chỗ. Thời tiết nắng nóng nên các điểm đến du lịch biển trong nước như Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long, Nha Trang, hay những điểm “tránh nóng” như Đà Lạt, Sa Pa được lựa chọn nhiều. Lượng khách tăng khá cao nên đến thời điểm hiện tại, khách đi tự túc muốn đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn tại các điểm du lịch trên gần như hết cơ hội.
Resort 5 sao Vinpearl Phú Quốc, Nha Trang... thông báo đã hết phòng từ cả tháng trước lễ; khách sạn Boulevard (Phú Quốc) lấp đầy từ ngày 27.4 (thứ sáu) đến hết ngày 2.5 (thứ ba tuần sau). Gọi điện đặt phòng ở 2 homestay Circle VN Hostel và Hobbit Hostel ở Đà Lạt, nhân viên lễ tân cũng đều thông báo chỉ còn phòng ngày 26, 27.4 và sau ngày 2.5. Khách sạn, nhà nghỉ tại các điểm đến gần TP.HCM như Vũng Tàu, Mũi Né cũng đều dán nhãn “hết phòng” khi có khách gọi đặt phòng dịp lễ.
Nhu cầu tăng cao, nhiều cơ sở lưu trú cũng tận dụng cơ hội để tăng giá phụ thu cao gấp 2 - 3 lần ngày thường. Năm nay lễ hội pháo hoa 2018 khai mạc ngày 30.4, kéo dài đến hết 30.6 khiến Đà Nẵng càng được các tín đồ du lịch “săn đón” nhiều hơn. Đa số các khách sạn khối 3 - 5 sao và tương đương đều phụ thu thêm từ 10 - 50% so với mức giá công bố hoặc phụ thu thêm từ 10 - 30% so mức giá ký kết với các đơn vị lữ hành, chủ yếu chỉ tập trung vào ngày 30.4, một số khách sạn phụ thu thêm ngày 1.5. Một số khách sạn 2 sao trở xuống nhưng ở vị trí đẹp, gần khu vực bắn pháo hoa cũng tăng giá từ 20 - 50% do giá bao gồm chi phí mua vé xem pháo hoa trên tầng thượng, chi phí ăn uống. Trung bình khách sạn 2 sao giá phòng ngày thường khoảng 500.000 đồng/đêm, dịp lễ tăng lên 1,2 - 1,5 triệu đồng/đêm; khách sạn 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng 5 sao có mức giá từ 5,5 - 8 triệu đồng/phòng/đêm, tăng khoảng 2 - 3 lần ngày thường.
Tình trạng cũng xảy ra tương tự ở Hạ Long do “sức hút” từ Lễ hội Carnaval Hạ Long 2018. Không chỉ khách nội địa mà thị trường khách Trung Quốc, khách châu Á kéo sang cũng khiến các cơ sở lưu trú “căng như dây đàn”.
|
Tàu xe kín chỗ, vé máy bay đắt đỏ
Tương ứng với nhu cầu tăng cao của hành khách dịp lễ này, đường sắt, nhà xe, các hãng hàng không đều tăng cường phương tiện vận tải nhưng đến thời điểm hiện tại cũng gần như đã hết vé dịp cao điểm.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc ga Sài Gòn, thông tin dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay, ga Sài Gòn đã tăng khoảng 30% số lượng chuyến tàu so với năm ngoái. Các tuyến từ TP.HCM đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn các ngày 27, 28.4 gần như đã hết vé.
Trong khi đó, ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Phó tổng giám đốc Bến xe Miền Tây (TP.HCM), cho biết tính đến thời điểm hiện tại, riêng 2 nhà xe Phương Trang và Thành Bưởi đã bán hơn 55.000 vé xe cho 3 ngày cao điểm 27, 28, 29.4. Hiện khách hàng đặt vé online qua hệ thống sẽ không còn chỗ trống, nhưng nếu trực tiếp mua vé tại bến xe, có thể vẫn còn chỗ tại một số tuyến. Về giá vé, ông Huân cho biết tính đến chiều 24.4, đã có hơn 30 doanh nghiệp báo tăng giá vé từ 30 - 40% tùy chặng. Riêng nhà xe Phương Trang không tăng giá, trừ tuyến TP.HCM đi Bến Tre.
Với hàng không, tình hình cũng không khá hơn. Ở các điểm đến hút khách như Phú Quốc, Nha Trang... cách đây cả tuần vé còn ít và chỉ có giá cao, một số giờ bay đến Phú Quốc của Hãng hàng không Vietnam Airlines chỉ còn hạng thương gia. Theo đại diện Jetstar Pacific, hãng đã tăng khoảng 30% chuyến bay so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chưa đủ phục vụ nhu cầu lượng hành khách tăng quá cao. Các đường bay du lịch biển từ TP.HCM đi Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn hầu như đã kín chỗ. Tuy nhiên, việc kín chỗ chỉ xảy ra vào 2 - 3 ngày trước và sau lễ, khoảng thời gian ở giữa vẫn còn nhiều vé. “Do việc phân phối giá theo mức từ thấp đến cao tương ứng thời điểm mua nên nếu khách hàng mua vé ở thời điểm hiện tại, rất khó có được vé giá rẻ”, vị này cho biết.
Bình luận (0)