Chạy đua bảo vệ nhân viên y tế giữa đại dịch Covid-19

30/03/2020 07:20 GMT+7

Tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu tại nhiều nước Âu - Mỹ, trong khi nhân viên y tế đối diện nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu tính đến tối qua đã vượt 32.000 so với con số 28.823 ghi nhận một ngày trước đó, với nhiều ca được ghi nhận tại các nước Âu - Mỹ. Theo AFP, châu Âu ghi nhận hơn 20.000 ca tử vong, với Ý và Tây Ban Nha đều có hơn 800 ca tử vong trong vòng 24 giờ. Số ca tử vong tại Mỹ đến hôm qua cũng vượt mốc 2.000, trong khi nhiều chuyên gia dự báo dịch bệnh sẽ còn khó lường tại nhiều nước.

Hiểm nguy nơi tuyến đầu

Thành viên hoàng gia đầu tiên qua đời vì Covid-19 

Theo Fox News, công chúa Maria Teresa của Tây Ban Nha trở thành nhân vật hoàng gia đầu tiên trên thế giới qua đời vì Covid-19. “Chị gái tôi, Maria, nạn nhân của Covid-19, qua đời tại thủ đô Paris (Pháp)”, hoàng tử Sixto Enrique de Borbon, công tước xứ Aranjuez, thông báo trên Facebook ngày 28.3. Công chúa Teresa là chị họ của đức vua Tây Ban Nha Felipe VI. Công chúa Teresa, sinh ngày 28.7.1933, học tại Pháp và trở thành giáo sư ngành xã hội học tại Đại học Sorbonne ở Paris và Đại học Complutense (Tây Ban Nha).
Tại Mỹ, các chuyên gia y tế lo ngại rằng tình hình phòng chống dịch ở New York sẽ giống như tại Ý, khi các nhân viên y tế làm việc quá tải, bệnh viện thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ và máy thở. Đáng lo ngại, Tây Ban Nha ghi nhận ít nhất 9.944 nhân viên y tế nhiễm Covid-19, theo Giám đốc Trung tâm điều phối về tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia Fernando Simon. Dựa trên số ca nhiễm tại Tây Ban Nha, trung bình cứ 6 ca nhiễm thì có 1 nhân viên y tế. Trang EuroWeekly dẫn báo cáo của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho thấy 23% nhân viên y tế vùng Costa-del-sol nhiễm vi rút sau khi dùng nhà vệ sinh tại bệnh viện.

[VIDEO] Cảnh báo mối nguy thiếu hụt đồ bảo hộ cho nhân viên y tế giữa dịch Covid-19

Trong khi đó, Hiệp hội Y khoa Philippines cho biết có 9 bác sĩ tại nước này tử vong vì Covid-19 và đội ngũ nhân viên y tế không được trang bị bảo hộ đầy đủ, theo AFP. Ông Benito Atienza, Phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa Philippines, cho hay 3 bệnh viện lớn ở Manila đã quá tải và không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân Covid-19, đồng thời kêu gọi xét nghiệm các nhân viên y tế thường xuyên để đề phòng lây lan dịch trong bệnh viện. Philippines có hàng trăm nhân viên y tế đang tự cách ly trong vòng 14 ngày do có nguy cơ nhiễm, theo thông báo của các bệnh viện. Trước đó, Trung Quốc ghi nhận 3.300 ca nhiễm Covid-19 là nhân viên y tế, trong đó có 13 người tử vong.
Chạy đua bảo vệ nhân viên y tế giữa đại dịch Covid-19

Các nhân viên y tế tại Bệnh viện Casal Palocco, Ý

Tìm biện pháp bảo vệ

Với tình trạng thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ, cơ quan y tế nhiều nước đang tìm biện pháp bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế trước nguy cơ nhiễm bệnh. Vào cuối tháng 2, ít nhất 124 nhân viên y tế tại Trung tâm y tế UC-Davis (Mỹ) phải cách ly sau khi tiếp xúc với 1 bệnh nhân nhưng không biết người này nhiễm Covid-19. Theo Đài ABC, sau vụ việc, các bệnh viện tại Mỹ thay đổi quy trình nhằm đảm bảo xác định bệnh nhân Covid-19 ở giai đoạn sớm nhất. Tại khoa y tế khẩn cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, tất cả nhân viên phải đeo khẩu trang N95 toàn thời gian khi tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Nhiều bệnh viện khác tại Mỹ cũng sử dụng trang thiết bị bảo hộ vượt mức khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.

Trang thiết bị của Trung Quốc bị lỗi, thiếu chính xác 

Tờ Philippine Daily Inquirer ngày 29.3 đưa tin Bộ Y tế Philippines cho hay nước này không sử dụng một số bộ xét nghiệm Covid-19 do Trung Quốc tặng vì thiếu chính xác. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết các bộ xét nghiệm chỉ cho độ chính xác khoảng 40% so với các bộ xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trước đó, chính phủ Trung Quốc tặng 100.000 bộ xét nghiệm Covid-19 cho Philippines. Tuy nhiên, Philippines không nói rõ bao nhiêu bộ xét nghiệm cho kết quả thiếu chính xác. Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines bác bỏ thông tin này.
Tại Hà Lan, cơ quan chức năng vừa thu hồi hàng loạt khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc đã được phân phối đến các bệnh viện để đối phó dịch Covid-19, sau khi cho rằng sản phẩm này không đảm bảo chất lượng, theo AFP. Quyết định thu hồi liên quan đến gần phân nửa trong lô hàng 1,3 triệu khẩu trang FFP2, trong đó 600.000 khẩu trang đã được chuyển đến các bệnh viện, theo Đài NOS. Theo bản tin, các khẩu trang không bao bọc kín phần khuôn mặt cần che chắn hoặc có các bộ phận lọc bị lỗi.
Một trường hợp đáng chú ý là tại Singapore, cơ quan chức năng ghi nhận hơn 800 ca mắc Covid-19 nhưng trong đó chỉ có vài nhân viên y tế và họ nhiễm bên ngoài bệnh viện, theo South China Morning Post. Cũng tại Singapore, các chuyên gia chú ý trường hợp 41 nhân viên y tế phơi nhiễm Covid-19 nhưng sau đó xét nghiệm âm tính. Họ đều từng tiếp xúc gần với một bệnh nhân phải đặt ống thở nội khí quản và chưa biết bệnh nhân này nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, họ đều luôn đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang N95.

[VIDEO] "Vũ khí mới" chống dịch Covid-19 ở Mỹ: máy thở nhỏ gọn, bộ xét nghiệm nhanh

Các chuyên gia kết luận rằng việc không nhân viên y tế nào bị nhiễm vi rút cho thấy sự cần thiết phải đeo khẩu trang y tế và giữ vệ sinh theo quy trình. Bác sĩ phẫu thuật Atul Gawande tại New York cho rằng có nhiều điều đáng học hỏi từ các nhân viên y tế tại châu Á và cũng là những nguyên tắc vệ sinh y tế cơ bản, bao gồm việc giữ khoảng cách, rửa tay đúng cách và tuân thủ quy trình khử trùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.