"Chậm mà chắc"
Việc sinh viên (SV) đăng ký nhiều tín chỉ qua website của trường vì sợ hết suất lại phải đợi thêm một học kỳ đã dẫn đến sự quá tải khi học nhiều môn cùng lúc.
“Năm 4 rồi, lớp mình ai cũng hối nhau đăng ký học hết những môn còn nợ, sợ kỳ sau không đăng ký được, mà như vậy học có nổi đâu. Mình thì cứ từ từ, chậm mà chắc, thà ra trường trễ còn hơn học hành lôi thôi”, Hồ Ngọc Linh, SV Trường ĐH Sài Gòn, nói.
tin liên quan
'Chạy đua' để ra trườngDù đã tốt nghiệp, nhưng Phạm Thị Thanh Hằng, cựu SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện làm giáo viên ở Bình Phước, không thể quên chuỗi ngày “học chạy” của mình. Hằng kể lúc năm 4, ngoài việc tất bật làm đồ án, cộng với việc học nhiều môn làm sức khỏe cô sa sút.
“Tôi học quá nhiều môn nên đêm thức khuya xử lý bài vở, sáng dậy sớm đi học, vài tháng kéo dài làm tôi sụt gần 6 ký. Tưởng sẽ 'chịu nhiệt' được để ra trường kịp thời, ai ngờ có môn thì rớt, môn thì điểm thấp lè tè. Cuối cùng vẫn phải ra trường chậm hơn bạn bè và phải tốn tiền đóng học lại”, Hằng chia sẻ.
Hằng nói thêm bản thân đang đi dạy nên giờ mới thấy rõ việc học vội đã khiến cô bị hỏng nhiều kiến thức.
Bạn Đinh Kiều My, tốt nghiệp loại giỏi, cựu SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ rằng nếu My không có kế hoạch từ năm nhất thì lúc năm cuối đã rơi vào tình trạng “học chạy”.
“Nếu rơi vào tình trạng thiếu nhiều môn thì đầu tiên bạn nên tìm những người đi trước tư vấn. Hãy nghĩ đến chất lượng học, đừng chọn số lượng môn học. Có thể chậm nửa năm, nhưng biết đâu khi tốt nghiệp mình vững vàng và có nhiều cơ hội hơn...”, My tâm tình.
Để tránh "nước đến chân mới nhảy"
Với SV năm cuối, không chỉ đứng trước nỗi lo học đủ môn mà còn những vấn đề khác như làm đồ án tốt nghiệp, học thêm các kỹ năng..., đã khiến họ đau đầu.
Trong một lần ngồi trò chuyện cùng Lâm Thị Bích Như, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nữ sinh này than thở: “Khoảng thời gian trước mình không chịu khó, giờ năm cuối bầm dập quá, thấy cần phải học nhiều thứ để trang bị. Nhưng giờ thời gian thì hạn hẹp, chẳng biết sau khi ra trường mình có xin được việc không. Ngoài học kỹ năng, học tiếng Anh, còn phải chống chọi với lịch học dày đặc và gánh nặng về đồ án tốt nghiệp nữa”.
|
“Mình mong các bạn SV năm nhất, năm 2 biết cách phân bổ lịch học và nên 'phòng thân' kiến thức tiếng Anh từ sớm để khỏi phải tất bật ở năm cuối như mình”, Như tâm sự.
Còn với Kiều My, thì khuyên các bạn SV khi bắt đầu vào giảng đường cần tìm hiểu và học những môn liên quan đến phương pháp học ĐH, để giảm thiểu những rủi ro và có phương pháp học tập hợp lý.
Bàn về vấn đề này, anh Đặng Hoàng An, chuyên gia tâm lý, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Dưới góc nhìn cá nhân tôi thấy việc SV 'chạy đua' rất nhiều môn ở kỳ cuối để hoàn thành đủ tín chỉ ra trường bộc lộ sự thiếu khoa học trong việc lập kế hoạch học tập. Điều này dẫn đến chất lượng dạy - học bị ảnh hưởng và thậm chí không mang lại kết quả như mong đợi. Khi sinh viên học quá tải không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà đời sống tâm lý cũng bị chi phối. Cụ thể, các bạn phải thường xuyên đối mặt với trạng thái lo âu, áp lực. Nếu trạng thái tâm lý này không được 'giải phóng' kịp thời rất dễ dẫn đến sự cáu gắt với mọi người xung quanh (rối loạn cảm xúc), căng thẳng thần kinh và lâu ngày sẽ gây ra hội chứng trầm cảm”.
“Khuyến nghị dành cho các bạn sinh viên là nên xây dựng kế hoạch học tập cá nhân dàn trải, cân bằng và có lộ trình tránh 'nước đến chân mới nhảy', tích cực trau dồi những kỹ năng sống thiết yếu như kỹ năng hoạch định - xây dựng mục tiêu, kỹ năng học tập, kỹ năng giải quyết vấn đề,...”, anh An khuyên. Trong mỗi người, sẽ có một cách học tập riêng. Thế nhưng nếu không lo xa thì ắt sẽ lo gần…
Bình luận (0)