Chạy đua tìm thuốc đặc trị, vắc xin ngừa nCoV

08/02/2020 06:51 GMT+7

Nhiều hãng dược và viện nghiên cứu trên thế giới chạy đua với thời gian tìm thuốc đặc trị, vắc xin ngừa vi rút Corona mới (nCoV) gây viêm phổi Vũ Hán.

Một báo cáo mới đây trên chuyên san Nature của các nhà khoa học Trung Quốc thắp sáng thêm hy vọng khi kết luận rằng Remdesivir - thuốc kháng vi rút của Hãng Gilead Sciences (Mỹ) - có thể ngăn chủng mới vi rút Corona (nCoV) nhiễm vào các tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, theo phát ngôn viên Ryan McKeel của Gilead Sciences, chưa thể đảm bảo việc sử dụng thuốc này một cách rộng rãi vì đây là thuốc thử nghiệm và chỉ mới dùng trên một số bệnh nhân.
Gilead Sciences hiện đang phối hợp với Bộ Y tế Trung Quốc nhằm đánh giá tính hiệu quả của Remdesivir với 2 thử nghiệm lâm sàng tại Vũ Hán trên 500 bệnh nhân dùng thuốc và nhóm đối chứng dùng giả dược.

[VIDEO] Cuộc đua điều chế vắc xin phòng vi rút corona: đường còn xa

Một thử nghiệm được tiến hành từ ngày 6.2 trên các bệnh nhân nặng phải thở bằng máy và thuốc được tiêm thẳng vào tĩnh mạch, dù thuốc này chưa từng được thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân nhiễm bất kỳ chủng vi rút Corona nào.
Thử nghiệm thứ 2 sẽ tiến hành trên các bệnh nhân chưa có dấu hiệu nặng. Quá trình thử nghiệm kéo dài 10 ngày và các bác sĩ sẽ đánh giá 28 ngày sau đó để so sánh với nhóm đối chứng.
Trước đó, Học viện Khoa học Quân y và Viện Vi rút học Vũ Hán (WIV) nhận thấy 3 loại thuốc Remdesivir, Chloroquine và Ritonavir có công dụng ức chế khá tốt đối với nCoV ở cấp độ tế bào. Thuốc kháng HIV còn được phối hợp với thuốc chữa cúm để điều trị một số trường hợp tại Trung Quốc và Thái Lan cũng cho kết quả khả quan, trong đó có một bệnh nhân 71 tuổi tại Thái Lan xét nghiệm âm tính sau 48 giờ điều trị.
Tại Mỹ, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS) đang phối hợp với Hãng dược Regeneron tại nước này phát triển thuốc chữa nCoV từ một nhóm thuốc từng giúp tăng tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân Ebola, theo AFP. Phương pháp này dùng kháng thể đơn dòng “khóa” một số protein ở vi rút, vô hiệu hóa khả năng lây nhiễm cho tế bào.
Bên cạnh đó, giới khoa học trên thế giới đang ráo riết tìm hiểu, thử nghiệm để chế tạo vắc xin phòng bệnh. Theo AP, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc chia sẻ bản đồ gien của nCoV, các chuyên gia tại Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã tạo ra một thành phần chính cho loại vắc xin dự kiến sẽ thử nghiệm vào tháng 4.
Theo ITV, Viện Pasteur tại Paris (Pháp) đang thử nghiệm vắc xin bệnh sởi và điều chỉnh gien để xem xét tính hiệu quả đối với nCoV, còn Hãng iBio (Mỹ) đang phối hợp với một đối tác Trung Quốc nghiên cứu chế tạo vắc xin và thuốc đặc trị. Tại Canada, Viện Nghiên cứu VIDO -InterVac cũng đang nghiên cứu chế tạo vắc xin. Trước đó, các nhà khoa học Hồng Kông tuyên bố phát triển được vắc xin nhưng cần thời gian để thử nghiệm.

Chẩn đoán nCoV trong 30 phút

Tờ South China Morning Post ngày 7.2 đưa tin một nhóm chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) vừa chế tạo thiết bị cầm tay có thể chẩn đoán nCoV trong vòng 40 phút, trong khi Đại học Macau đang nghiên cứu bộ chẩn đoán cho kết quả trong vòng 30 phút, ngay cả ở giai đoạn mới nhiễm.
Thiết bị phân tích mẫu dịch từ đường mũi bệnh nhân và có thể xét nghiệm 8 mẫu cùng lúc. Bộ xét nghiệm này đạt chuẩn châu Âu và vừa được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc đưa đến sử dụng tại Thâm Quyến và Quảng Châu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.