|
Hiện vẫn chưa có vắc xin hoặc bất kỳ loại thuốc nào điều trị Ebola ngoại trừ các loại thuốc thử nghiệm, theo đài CNN (Mỹ) ngày 12.10. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11.10 cho biết đã có 4.033 người chết vì dịch bệnh Ebola và tổng cộng 8.399 ca nhiễm Ebola ở 7 quốc gia kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Tây Phi.
Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova ngày 11.10 tuyên bố Nga đã tạo ra 3 lại vắc xin ngừa Ebola và “một trong số đó sẵn sàng được thử nghiệm lâm sàng”. Nga cũng đã tăng cường biện pháp đề phòng Ebola, bao gồm việc trang bị thêm nhiều máy do nhiệt độ cơ thể tại các sân bay.
Trong khi đó, Công ty dược Anh GlaxoSmithKline và Viện Y tế Quốc gia Mỹ thì đang phối hợp phát triển một loại vắc xin ngừa Ebola và thử nghiệm vắc xin này. Còn Mỹ và Canada đang phối hợp phát triển thuốc thử nghiệm ZMapp để điều trị Ebola.
Một bác sĩ người Mỹ bị nhiễm Ebola sau khi tiếp xúc với bệnh nhân ở Tây Phi đã có dấu hiệu hồi phục sau khi dùng thuốc thử nghiệm ZMapp và được xuất viện hồi tháng 8.2014. Nhưng các bác sĩ Mỹ cho rằng vẫn chưa thể đảm bảo độ tin cậy của ZMapp vì thuốc này chỉ mới được thử nghiệm trên khỉ và một nhà truyền giáo Tây Ban Nha (bị nhiễm Ebola sau khi làm việc ở Tây Phi) đã thiệt mạng mặc dù đã dùng ZMapp, theo Reuters.
Trước đó, Nhật Bản tuyên bố đã tạo ra Avigan, một loại thuốc dạng viên điều trị Ebola do một công ty Nhật sản xuất và hiện đang được thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ.
Bên cạnh việc chạy đua phát triển các loại vắc xin và thuốc chế ngự Ebola, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường các biện pháp đề phòng Ebola.
Tại sân bay quốc tế John F. Kennedy (Mỹ), hành khách và phi hành đoàn đến từ các quốc gia Tây Phi sẽ được kiểm tra thân nhiệt và các dấu hiệu mắc bệnh, đồng thời trả lời câu hỏi về khả năng tiếp xúc với người nhiễm Ebola, AFP dẫn thông cáo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 11.10 cho biết.
“Việc kiểm tra sức khỏe tại sân bay sẽ không thể phát hiện được hết những người nhiễm Ebola, nhưng nó hiện là biện pháp tốt nhất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Ebola”, CDC cho biết. 4 sân bay lớn của Mỹ sẽ bắt đầu kiểm tra sức khỏe vào tuần tới.
Chính quyền Canada thì cảnh báo công nước này rời khỏi các quốc gia Tây Phi đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành, theo CNN.
Tại châu Mỹ Latinh, Peru và Uruguay đã tuyên bố tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các sân bay. Mexico và Nicaragua lên kế hoạch siết chặt người di cư đến Mỹ như một biện pháp đề phòng dịch bệnh Ebola.
Còn ở Brazil và Macedonia, Bộ Y tế của hai nước này đã công bố kết quả xét nghiệm âm tính đối với hai trường hợp bị nghi nhiễm Ebola.
Ở châu Âu, Anh tiến hành diễn tập khắp đất nước vào ngày 11.10 để kiểm tra sự sẵn sàng đối phó với dịch bệnh Ebola, đồng thời tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các sân bay. Cuộc diễn tập kéo dài 8 giờ liền với các diễn viên giả vờ mắc bệnh Ebola và đội ngũ nhân viên y tế bắt đầu cách ly, điều trị cho bệnh nhân tại nhiều địa điểm ở khắp nước Anh.
Tại Tây Ban Nha, dư luận tập trung vào nữ y tá 44 tuổi Teresa Romero bị nhiễm Ebola. Tình trạng sức khỏe của bà đã “cải thiện”, một nguồn tin từ bệnh viện tiết lộ với AFP. Bà Romero bị nhiễm Ebola tại bệnh viện ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vào cuối tháng 9.2014, khi đó bà chăm sóc cho hai nhà truyền giáo nhiễm Ebola. Hai người này được đưa từ châu Phi trở về nước điều trị và đã tử vong.
Nguồn tin trên cho biết thêm các bác sĩ bắt đầu dùng thuốc thử nghiệm ZMapp để điều trị cho bà Romero. Và 15 người khác, đa số là các nhân viên y tế và chồng của bà Romero, vẫn đang được theo dõi vì đã tiếp xúc với bà Romero, nhưng đến nay không ai có dấu hiệu mắc Ebola.
Phúc Duy
>> Số người chết vì Ebola đã vượt mức 4.000
>> Nguy cơ IS tấn công bằng vi rút Ebola
>> IS có thể dùng Ebola tấn công phương Tây
>> Dịch Ebola có thể gây thiệt hại hơn 32 tỉ USD
>> Một người Anh chết tại Macedonia bị nghi nhiễm Ebola
>> Dịch Ebola sẽ lan đến Trung Quốc trong 3 tuần tới
>> Tây Ban Nha cách ly thêm 7 người nghi nhiễm Ebola
Bình luận (0)