|
Sáng nay 22.6, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã làm lễ khánh thành và phát điện thương mại cho nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận).
Nhà máy này do Tổng công ty phát điện 3 (EVN Genco 3 làm chủ đầu tư). Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 có tổng mức đầu tư hơn 986 tỉ đồng, được xây dựng nằm kề bãi xỉ của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.
Nhà máy lắp đặt 122.000 tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích hơn 49 ha, tổng công suất lắp đặt 42,65 MWp. Sau 5 tháng nỗ lực thi công, đến nay nhà máy hoàn thành đưa vào vận hành, đấu nối lên lưới điện quốc gia. Dự kiến mỗi năm nhà máy này cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 68,4 triệu kWh.
|
Tổng giám đốc Cenco 3 Đinh Quốc Lâm, cảm ơn 39 hộ dân địa phương đã nhường đất đai, nhà ở để dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Hàng loạt nhà máy "cán đích" trước ngày 30.6
Trả lời Thanh Niên ngày 22.6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, cho biết cho đến thời điểm này (22.6) đã có 20/26 nhà máy điện mặt trời hoàn thành và đấu nối vào hệ thống lưới truyền tải quốc gia. Trong số đó có 17/20 nhà máy đã vận hành thương mại (Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 là nhà máy thứ 17) với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 20.795 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, cho tới thời điểm này các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn Bình Thuận đã hoàn thành đúng tiến độ cam kết.
|
Theo thống kê của Sở Công thương Bình Thuận, 20 nhà máy đã hoàn thành này nằm rải rác ở khắp các huyện, thị, thành phố như Phan Thiết, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc…; đặc biệt nhà máy điện mặt trời Đa Mi nằm trên mặt nước hồ thủy điện Đa Mi đã phát điện thương mại sớm nhất.
Theo Quyết định số 11/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu tiên phát triển điện mặt trời. Đối với các nhà máy đóng điện vào lưới quốc gia trước ngày 30.6 sẽ được hưởng ưu tiên về giá bán (EVN là đại diện nhà nước mua điện), và sau thời điểm này giá bán sẽ thấp hơn.
|
Chủ tịch Tập đoàn EVN nói gì về điện mặt trời ?
Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn EVN Dương Quang Thành cho biết, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đang đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống điện.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất hệ thống lắp đặt của Việt Nam là trên 50.000 MW. Theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định 428 của Thủ tướng Chính phủ, quy mô hệ thống điện Việt Nam sẽ là 60.000 MW vào năm 2020, 96.500 MW vào năm 2025 và 129.500 MW vào năm 2030 (trong đó nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2020 chiến 9,9%; năm 2025 chiếm 12,5% và năm 2030 là 21%).
Sản lượng điện thương phẩm năm 2018 toàn quốc đạt 192,93 tỷ kWh và nhu cầu điện tăng trưởng trung bình các năm gần đây đều đạt trên 10%/năm. Việt Nam sẽ cần bổ sung khoảng 4.000 - 5.000 MW công suất nguồn điện mới mỗi năm, mà trong đó sẽ cần bổ sung rất nhiều nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt. Nguồn than trong nước hiện tại không đủ cung cấp cho sản xuất điện, nguồn khí cũng suy giảm và thủy điện gần như hết tiềm năng để khai thác.
Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn EVN, tính đến giữa tháng 4.2019, toàn hệ thống điện chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW, thì đến nay Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã đóng điện 79 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất khoảng 4.312 MW. Tới ngày 30.6, sẽ tiếp tục đóng điện 10 -12 dự án với tổng công suất khoảng thêm 150 MW.
|
Bình luận (0)