Bộ ba thế lực không gian của thế giới đang so kè nhau trên một mặt trận mới: kiểm soát quỹ đạo trái đất bằng cách phát triển các vũ khí diệt vệ tinh.
Tên lửa diệt vệ tinh ASM-135 của Mỹ - Ảnh: USAF
|
Hiện nay nhiều hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của con người dựa vào các vệ tinh trên không gian, như định vị, truyền hình vệ tinh, bản đồ vệ tinh… Và đối với các lực lượng quốc phòng, đặc biệt là Mỹ, sự phụ thuộc vào vệ tinh không chỉ dừng ở việc phục vụ cho nhu cầu hằng ngày, mà cả khả năng làm chủ trận địa trên các chiến trường mặt đất. Trong đó, các vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, ở độ cao khoảng 36.000 km, đóng vai trò “tai và mắt” của quân đội Mỹ, từ liên lạc giữa các đội quân, thu thập thông tin tình báo, phóng máy bay không người lái đến định vị mục tiêu cho các hệ thống vũ khí. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Lầu Năm Góc giờ đây không giấu giếm nỗi quan ngại rằng những vệ tinh sống còn trên có thể lọt vào tầm ngắm của các cặp mắt rình mồi của các thế lực đối địch.
Tranh bá trên quỹ đạo
Từ năm ngoái đến nay, giới chức quân sự Mỹ liên tục cảnh báo nguy cơ từ Trung Quốc - nước đang tích cực thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh (ASAT), và cho rằng nếu không sớm có đối sách, Trung Quốc có thể tung đòn nốc ao vô hiệu hóa “tai và mắt” của quân đội Mỹ. Trò chơi mèo vờn chuột trong không gian giữa Mỹ và Trung Quốc một lần nữa gây chú ý qua chương trình “Cuộc chiến trên không” được Đài CBS News phát sóng hồi cuối tháng 4.
Đây là một trong những dịp hiếm hoi Bộ Tư lệnh không gian thuộc không quân Mỹ (USAF) hé lộ đôi chút về sứ mệnh mà nhiều năm qua luôn nằm trong vòng bí mật. Trung tướng John Hyten, tư lệnh của lực lượng này, đã đề cập đến một cuộc nghiên cứu tuyệt mật được triển khai tại căn cứ không quân Kirtland thuộc Albuquerque, bang New Mexico.
Nơi đây đặt phòng thí nghiệm có tên Starfire Optical Range, với thiết bị phóng chùm tia laser lên trời. Chùm tia laser có tác dụng hỗ trợ tiêu cự cho kính viễn vọng, cho phép USAF thu vào tầm mắt các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất và khoanh vùng thiết bị của các đối thủ như Trung Quốc, bất chấp tốc độ di chuyển của những mục tiêu này lên đến 27.359 km/giờ. Đó chỉ là một phần để chuẩn bị cho cuộc chiến tương lai đầy phức tạp, được triển khai trong âm thầm trên không gian.
Khác với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vốn tập trung vào các sứ mệnh khoa học, Bộ Tư lệnh không gian chú trọng trau dồi năng lực chiến đấu trong môi trường vũ trụ. Dưới quyền tướng Hyten là 38.000 quân nhân tại 134 địa điểm trên thế giới. Một trong những sứ mệnh công khai của đội quân này là đảm bảo các vệ tinh của Mỹ hoạt động an toàn trên quỹ đạo. Toàn bộ thông tin thu được từ mạng lưới được truyền về đầu não là Trung tâm các chiến dịch không gian kết hợp (JSPOC) đặt tại căn cứ không quân Vandenberg.
Vào thời đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, không có vũ khí nào đủ năng lực bắn hạ những vệ tinh di chuyển ở độ cao 36.000 km. Tuy nhiên, trung tướng Hyten đã đề cập đến một thực tế đáng quan ngại: các vệ tinh Mỹ không còn an toàn trên không gian. Hiện có 11 nước, bao gồm Iran và CHDCND Triều Tiên, sở hữu năng lực phóng tên lửa vào quỹ đạo. Tuy nhiên, hai cái tên xuất hiện thường trực trong các báo cáo lẫn cảnh báo của giới chức Mỹ là Nga và Trung Quốc. Các mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống cơ sở hạ tầng trên quỹ đạo của Mỹ bao gồm làm gián đoạn hoạt động vệ tinh viễn thông, GPS, tấn công vào mạng lưới hạ tầng trên mặt đất, hoặc sử dụng những vũ khí động lực học như tên lửa diệt vệ tinh hay phi thuyền “ám sát”.
Công nghệ diệt vệ tinh
Phía Mỹ chắc chắn rằng Nga và Trung Quốc đang thử nghiệm các công nghệ diệt vệ tinh mới. Trong một ví dụ cụ thể nhất, Lầu Năm Góc nghi ngờ Trung Quốc vào năm 2013 đã thử nghiệm một vũ khí diệt vệ tinh và đạt đến độ cao gần chạm đến biên giới của quỹ đạo địa tĩnh. Cụ thể, theo AFP dẫn thông cáo báo chí vào năm 2013 của Trung tâm khoa học không gian quốc gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, nước này đã phóng một tên lửa thăm dò từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, với mục đích nghiên cứu các hạt năng lượng cao tại thượng tầng khí quyển và cận không gian.
Chùm tia laser được phóng từ Phòng Thí nghiệm Starfire Optical Range của Mỹ - Ảnh: USAF/Reuters
|
Tuy nhiên, USAF phát hiện đường đi của vật thể mâu thuẫn với lời giải thích trên. Trong tuyên bố ngay sau khi tên lửa rời bệ phóng, USAF cho hay tên lửa đạt đến độ cao 30.000 km, tức sắp đạt đến độ cao của quỹ đạo địa tĩnh. Trong báo cáo thường niên mới nhất về năng lực quân sự của Trung Quốc được công bố vào ngày 8.5, Lầu Năm Góc cho rằng vụ phóng rất khác thường so với những sứ mệnh tiếp cận quỹ đạo theo truyền thống, thử tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa đóng vai trò thăm dò trong các sứ mệnh nghiên cứu khoa học.
“Nó có thể là một vụ thử công nghệ để phát triển vũ khí không gian trên quỹ đạo địa tĩnh”, theo phía Mỹ. Mặc dù giới chức Lầu Năm Góc hầu như không tiết lộ thêm thông tin về kết quả phân tích vụ phóng trên, các nhà quan sát độc lập tỏ ra thoải mái hơn khi đề cập đến vấn đề này. “Dù chưa có chứng cứ xác thực, những thông tin thu được về vụ phóng tên lửa của Trung Quốc hoàn toàn thiên về khả năng thử nghiệm tên lửa nằm trong hệ thống vũ khí diệt vệ tinh được chế tạo dựa trên tên lửa đạn đạo di động”, theo Space News dẫn lời Brian Weeden, cố vấn kỹ thuật của Tổ chức An ninh thế giới.
Cựu quan chức của Bộ Tư lệnh không gian này cũng nói thêm rằng từ trước đến nay Trung Quốc có thể đã phóng thử 6 vũ khí diệt vệ tinh bắn từ trạm mặt đất, nhưng chỉ có 1 lần bắn trúng mục tiêu ở quỹ đạo thấp (852 km) vào năm 2007. Theo nhận xét của tư lệnh Hyten, vũ khí diệt vệ tinh của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng có thể tiến gần đến giai đoạn “gặt hái kết quả”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Không quân Deborah Lee James cũng đề cập đến nguy cơ từ Nga. Vào tháng 5.2014, USAF và giới quan sát độc lập đồng loạt lên tiếng quan ngại về vụ phóng 3 vệ tinh viễn thông của Nga. Ngoài 3 vệ tinh như công bố, tên lửa của Nga được cho là chở theo một vệ tinh bí mật thứ tư có thể thay đổi quỹ đạo và tiến gần đến vệ tinh khác. Phía Mỹ nghi ngờ Moscow thử nghiệm cái gọi là phi thuyền “ám sát”, có khả năng tiêu diệt các vệ tinh chủ chốt của đối thủ bằng cách cài thuốc nổ hoặc đâm vào mục tiêu theo kiểu tấn công cảm tử.
Đối sách của Mỹ
Trước viễn cảnh chạy đua vũ trang không gian, chính quyền Washington đang đề xuất khoản ngân sách bổ sung đến 5 tỉ USD trong năm 2016 và kéo dài suốt kế hoạch phòng thủ 5 năm nhằm phát triển công nghệ đáp ứng được nhu cầu mới của USAF.
Tạp chí National Defense dẫn lời tướng Hyten cho hay khoảng một nửa số tiền trên sẽ được chi cho các chương trình tuyệt mật gồm 3 giai đoạn nhằm cải thiện năng lực phòng thủ trên quỹ đạo. Các thế hệ vệ tinh kế tiếp cũng sẽ được trang bị năng lực phòng thủ mạnh hơn hiện nay, chẳng hạn như khả năng di chuyển tránh thoát tên lửa đang đến gần. Ngoài ra, một số khoản trong ngân sách quốc phòng bổ sung sẽ được chi cho vệ tinh do thám trên quỹ đạo gọi là Pathfinder. Còn hàng rào phòng ngự không gian, chỉ hệ thống ra đa trên mặt đất có thể phát hiện phi thuyền và rác quỹ đạo, có thể sẽ hoàn thành trong năm 2019, theo Bộ trưởng James.
|
Mỹ hiện có nhiều vệ tinh nhất trên không gian, trên 500 trong số khoảng 1.300 vệ tinh còn hoạt động trên quỹ đạo. Không dừng lại ở đó, hơn 30 đợt phóng quân sự lẫn dân sự sẽ được triển khai trong năm nay tại các căn cứ của Bộ Tư lệnh không gian tại bang Florida và California.
Trong các báo cáo thường niên, Lầu Năm Góc cho biết mỗi năm ngân sách cho hoạt động vũ trụ là 10 tỉ USD, nhưng một báo cáo khác của Nhà Trắng cho thấy chi phí thực tế phải lên đến 25 tỉ USD nếu tính luôn vệ tinh gián điệp và các vệ tinh mật. Một số vệ tinh này cung cấp các tín hiệu định vị GPS hướng dẫn mục tiêu cho bom thông minh, đang được dùng ở Iraq và Syria.
|
Bình luận (0)