Cháy lớn tại công trình kiến trúc cổ Đà Lạt

10/06/2014 08:55 GMT+7

Rạng sáng 9.6, tòa nhà kiến trúc cổ Nha địa dư Đà Lạt trước đây (Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt hiện nay) phát cháy dữ dội.

Rạng sáng 9.6, tòa nhà kiến trúc cổ Nha địa dư Đà Lạt trước đây (Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt hiện nay) phát cháy dữ dội. 

 Cháy lớn tại công trình kiến trúc cổ Đà Lạt 1
Tòa nhà cổ Nha địa dư Đà Lạt bị bốc cháy dữ dội

Tòa nhà 5 tầng (có 1 tầng hầm) bằng đá granit này tọa lạc số 14 Yersin, P.9, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), được xây dựng từ năm 1939, theo kiến trúc miền Nam nước Pháp. Năm 1943, công trình hoàn thành và tòa nhà trở thành Sở Địa dư Đông Dương, từ năm 1955 là Nha địa dư quốc gia. Sau ngày đất nước thống nhất, Nha địa dư quốc gia được đổi thành Xưởng in 2, trực thuộc Cục Bản đồ, do Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân VN quản lý; hiện được đổi tên thành Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt. Bên cạnh nhiệm vụ chính là thiết lập, biên tập, in các loại bản đồ, xí nghiệp còn nhận in sách, báo chí, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa…

Anh Nguyễn Kim Chiến, ngụ ở khu quy hoạch Yersin (cạnh Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt), cho biết khoảng 1 giờ 30 ngày 9.6, anh nghe nhiều tiếng nổ lớn nên tỉnh giấc. Sau đó thấy Nha địa dư bốc lửa. Nhiều người dân và bảo vệ Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt phát hiện cháy đã điện cho cảnh sát PCCC. Khoảng 30 phút sau xe cứu hỏa tới hiện trường. Do lửa bốc cao từ tầng hầm đến tầng 4, nên cơ quan chức năng phải huy động thêm xe chữa cháy từ sân bay Liên Khương (cách 30 km). Có khoảng 15 xe cứu hỏa và chở nước được huy động để dập lửa. Đến 7 giờ, ngọn lửa  cơ bản được dập tắt nhưng 1/3 tòa nhà đồ sộ dùng làm khu văn phòng, xưởng chế bản, hệ thống máy tính... bị thiêu rụi cùng nhiều máy móc, thiết bị bên trong.

Cháy lớn tại công trình kiến trúc cổ Đà Lạt 2
Sau vụ cháy - Ảnh: Lâm Viên 

 

Chưa thống kê được thiệt hại

Theo ông Vũ Đình Hợi, sau khi dập được lửa, cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường vụ cháy chờ Cơ quan điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng vào khám nghiệm hiện trường và điều tra nguyên nhân cháy. Giá trị tài sản bị thiệt hại vẫn chưa thống kê được, tài sản giá trị nhất là máy CTP (Computer to plate) - máy ghi bản kẽm trị giá 3 tỉ đồng và hàng chục máy tính bị cháy, bên cạnh đó có một số tài liệu của cơ quan bị thiêu rụi hoàn toàn.

Cần sớm phục hồi nguyên trạng

Ông Đặng Văn An (62 tuổi), một người sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, cho biết: “Công trình kiến trúc này được người dân phố núi quen gọi là “Nha địa dư”. Nha địa dư rất gần gũi với người Đà Lạt nói chung và bản thân tôi nói riêng. Nghe tin tòa nhà bị cháy tôi hết sức ngỡ ngàng và tiếc nuối”. Còn nhà nhiếp ảnh Đặng Văn Thông, từng làm việc tại Nha địa dư từ năm 1959 đến sau ngày đất nước thống nhất, nói: “Nghe tin Nha địa dư cháy tôi hết sức sửng sốt, nó gắn bó với tôi hàng chục năm trời. Đó là tài sản kiến trúc quốc gia cần được phục hồi và giữ gìn nguyên vẹn. Vậy mà...”.

Nha địa dư nằm đối diện di tích lịch sử văn hóa Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (xây dựng năm 1927) và gần Nhà ga xe lửa Đà Lạt (xây dựng năm 1932), trở thành cụm kiến trúc văn hóa đặc trưng của phố núi Đà Lạt. Đây cũng là điểm tham quan thú vị của du khách và các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc.

Theo nhà “Đà Lạt học” Nguyễn Hữu Tranh, Nha địa dư là công trình kiến trúc đặc biệt của Đà Lạt, bên ngoài xây bằng đá granit kiên cố, bên trong được lót sàn gỗ rất đẹp… “Việc để xảy ra cháy là điều rất đáng tiếc. Nhà nước cần sớm phục hồi nguyên trạng tòa nhà này”, ông Tranh kiến nghị. Trong khi đó, theo ông Vũ Đình Hợi, Giám đốc Xí nghiệp bản đồ Đà Lạt, việc phục hồi nguyên trạng tòa nhà phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên. 

Lâm Viên 

>> Giải cứu cụ bà mắc kẹt trong vụ cháy công ty may
>> Cháy công ty sản xuất ván ép
>> Cháy công ty chế biến hạt nhựa
>> 1.500 xe máy bị thiêu rụi trong vụ cháy công ty may
>> Cháy công ty dệt, 3 tấn bông bị thiêu rụi
>> Cháy công ty chế biến thủy sản 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.