Gần đây, người dân ở H.Đắk Glei (Kon Tum) ồ ạt vào các khu rừng săn
tìm cây dược liệu quý để bán, tạo điều kiện cho các thương lái thâu tóm
dược liệu với giá rẻ mạt rồi “đổ” sang Trung Quốc.
Kho dược liệu tư thương thu mua ở làng Đắk Boi, TT.Đắk Glei - Ảnh: P.A |
Buổi chiều ở thôn Long Nang, TT.Đắk Glei (H.Đắk Glei), đồng bào thiểu số chạy xe máy xuôi theo quốc lộ 14 nườm nượp, phía sau yên xe là cây máu chó, lông cu ly và một số loài cây khác đựng trong từng bao lớn chở đi bán ở các điểm thu mua. A Lịch, một tay chuyên săn lùng dược liệu ở thôn Long Nang, TT.Đắk Glei cho hay, loài cây này có ở rừng sâu xã Ngọc Linh. Hằng ngày, A Lịch đi khoảng 40 km vào rừng, đào xong chở ra TT.Đắk Lei bán được 250.000 - 300.000 đồng.
Thấy cây gì bán được là chặt
“Đi, đào vất vả lắm, nhưng giá cây lông cu ly và máu chó trên dưới 2.000 đồng/kg, ngày nào cũng kiếm được chừng này tiền, gấp mấy lần làm rẫy”, A Lịch nói. Rồi anh kể, từ sáng sớm mờ sương, người từ các xã Đắk Pék, Đắk Man, Đắk Choong, Đắk Nhoong, Mường Hoong, Ngọc Linh và TT.Đắk Glei cùng rủ nhau đi vào rừng để tìm thảo dược. Cứ vào trong đó, thấy cây gì bán được là chặt, đào, nhưng chủ yếu là đào gốc để lấy rễ cây na rừng (có nơi gọi là cây ka na), cây lông cu ly, cây vàng đắng và cây máu chó. “Tụi mình thường đi từng nhóm khoảng từ 3 đến 5 người, mang theo dao, rựa, dây thừng, cuốc xẻng, rìu và cả cưa máy”, A Lịch cho biết.
Hỏi chuyện A Lịch, chúng tôi biết khi các thương lái đẩy mạnh việc thu mua các cây dược liệu với số lượng không hạn chế, hầu như trên địa bàn TT.Đắk Glei làng nào cũng có hàng chục gia đình sống bằng nghề vào rừng đào bới, chặt hạ tìm thảo dược. Trong các loại cây dược liệu ở rừng Ngọc Linh thì cây máu chó dễ tìm hơn cả. Cây này thân gỗ, cao hàng chục mét, đồng bào địa phương vào rừng, thấy cây là dùng cưa máy hạ xuống, chặt ra từng khúc dài khoảng 1 m để dễ chở bằng xe máy, bán cho các thương lái với giá 1.000 - 1.500 đồng/kg.
Khi hỏi công dụng của cây máu chó, hầu như những người đi rừng ở đây không ai biết, mà nói là nghe mấy thương lái bảo loại cây bổ máu, chữa khỏi các loại ung thư, làm sạch máu, giúp máu lưu thông tốt và ngăn ngừa tai biến, thiếu máu não, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…
Dọc theo quốc lộ 14, chúng tôi đi đến tận đèo Lò Xo (giáp tỉnh Quảng Nam), bắt gặp hàng tấn thảo dược như rễ cây na rừng, cây lông cu ly, cây vàng đắng, cây máu chó... được thương lái thu mua chất thành đống.
Cơ sở thu mua thảo dược ở TT.Đắk Glei - Ảnh: P.A
|
Bán cho Trung Quốc
A Thun, một người Giẻ Triêng ở xã Đăl Pék, cho hay trước đây các loại thảo dược trên có nhiều ở bìa rừng nhưng giờ đây, do việc khai thác ồ ạt nên phải vào sâu trong rừng mới có thể tìm thấy. “Mấy tháng đầu, kiếm 250.000 - 300.000 đồng/ngày, còn bây giờ, ai được 200.000 đồng/ngày là mừng lắm”, A Thun nói. Nói là vậy, nhưng việc tìm cây dược liệu vẫn cứ tiếp diễn hằng ngày tại các rừng già thuộc H.Đắk Glei.
Theo chân người bán thảo dược, chúng tôi vào một điểm thu mua ở làng Đắk Boi (TT.Đắk Glei). Tại đây, các loại dược liệu như cây lông cu ly, rễ na rừng, máu chó được chất thành kho rộng hàng trăm mét vuông. Hỏi ra thì biết chủ điểm thu mua này tên là L. chuyên thu mua dược liệu rồi sơ chế, chặt thành từng đoạn nhỏ, phơi khô, ép lại từng bó rồi vận chuyển ra phía bắc bán cho các tư thương Trung Quốc.
Hôm ấy, chúng tôi chứng kiến cảnh tấp nập của người dân chở thảo dược đến bán và các loại xe tải lớn chất đầy dược liệu lặc lè rời đi. Theo ước tính của một người rành việc thì mỗi ngày cơ sở này thu mua hàng tấn thảo dược các loại. Người đàn ông trung niên làm công ở đây kể, H.Đắk Glei có rất nhiều điểm thu mua các loại cây dược liệu để “xuất ngoại”, nhưng lớn nhất là ở điểm này, bởi bình quân mỗi ngày thu mua được vài tấn dược liệu các loại, trong đó nhiều nhất vẫn là cây lông cu ly.
“Toàn bộ số dược liệu thu gom được ở đây sẽ chở đến các đầu mối lớn ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất sang Trung Quốc”, người đàn ông này nói. Khi hỏi cây lông cu ly xuất qua biên giới để làm gì, thì những người làm công ở cơ sở này lắc đầu, bảo là chỉ cần có lời là thu mua và bán, chứ chưa rõ công dụng của nó.
Chiều 13.4, ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND H.Đắk Glei, xác nhận tình trạng người dân địa phương đổ xô vào rừng tìm thảo dược bán cho các thương lái là có thật. Tuy nhiên, theo ông Thông, hạt kiểm lâm huyện này báo cáo là các loài thảo dược nói trên không thuộc trong danh mục cấm khai thác, do chúng thuộc về lâm sản phụ dưới tán rừng, nên các hộ nhận khoán rừng khai thác để có thêm thu nhập. “Địa phương chúng tôi cũng đã họp bàn và giao cho hạt kiểm lâm huyện tham mưu để ngăn chặn tình trạng khai thác ồ ạt, đồng thời tìm cách quản lý, bảo vệ thảo dược này tốt hơn”, ông Thông nói.
Đó là tài nguyên rừng
Ngày 13.4, bà Đoàn Thị Tuần, Chủ tịch Hội Đông y - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết rễ cây na và hạt ươi không có trong các bài thuốc nam dược chữa các loại bệnh. Tuy nhiên, trong dân gian cho hạt ươi là loại thanh nhiệt, giải độc và chữa cả bệnh ung thư nên kháo nhau đi khai thác.
Riêng cây máu chó (hay huyết đằng, huyết rồng...) là thuốc có vị đắng chát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, khu phong, dùng để trị đau ruột, đau bụng, bế kinh, đau bụng kinh, phong thấp đau nhức, té sưng.
Cây lông cu ly (hay cẩu tích) là thuốc bổ dương, bổ thận, chữa xương cốt, thoái hóa cột sống, đau lưng người già, bổ khí... dùng nhiều trong điều trị.
Theo bà Tuần, các loại cây thảo dược nói trên thuộc diện tài nguyên rừng nên cần quản lý, bảo vệ, tránh khai thác ồ ạt dần đến kiệt quệ. Hội Đông y tỉnh Kon Tum đã từng có ý kiến về việc địa phương phải cho cơ chế đặc biệt được thu mua các loại thảo dược này để chế biến, phục vụ nhân dân.
|
Bình luận (0)