‘Cháy máy’ khi nhận nhiều cuộc gọi cầu cứu tiếp tế oxy mỗi ngày

12/08/2021 16:56 GMT+7

Đường dây nóng của ATM oxy hoạt động liên tục, có những cuộc gọi vào lúc nửa đêm, về sáng…

Nặng lòng với những cuộc gọi cầu cứu

Là người tham gia vào mô hình này từ ngày đầu ATM oxy miễn phí được thành lập, chị Ngọc Anh (30 tuổi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Q.8, TP.HCM) cho biết hơn 10 ngày nay ngày nào chị cũng trong tình trạng 'cháy máy' khi trực điện thoại đường dây nóng.
Ngọc Anh cho hay mô hình này mới được thành lập, chưa ai làm trước đó và bản thân cô cũng không có kinh nghiệm nên những ngày đầu khá rối. Lúc đó, cô chưa kịp nghiên cứu quy trình vận hành thì đã phải bắt tay vào làm, nhưng 1 - 2 ngày sau thì “đâu lại vào đấy”.
“Ngày đầu chưa có số hotline riêng nên tôi phải công bố số điện thoại cá nhân. Cũng từ ngày nhận thêm công việc này, tôi phải dùng hai điện thoại, sạc pin thay phiên nhau và không giám tắt máy hay để chế độ im lặng, ngay cả giờ nghỉ. Trong ngày đầu tiên, số lượng người gọi rất nhiều, gọi tới 2 - 3 giờ sáng, mình cũng trắng đêm mất ngủ luôn”, Ngọc Anh chia sẻ.
Ban đầu, có đêm Ngọc Anh một mình đi giao bình oxy. Sau đó, khi mô hình trạm ATM hoạt động trơn tru hơn, có thêm 2 tình nguyện viên hỗ trợ cô trong việc tiếp tế bình oxy.

Là người trực hotline, mỗi ngày Ngọc Anh luôn trong tình trạng 'cháy máy'. Lúc không đủ người, cô tự mình mang bình oxy tiếp tế cho người cần

NVCC

Mỗi ngày, riêng chỗ Ngọc Anh tiếp nhận 50 - 60 trường hợp cần tiếp tế nhưng vì số lượng bình chưa đủ, lại phải luân chuyển mang đi nạp oxy nên chỉ có thể hỗ trợ tối đa hơn 40 lượt/ngày. Dựa trên nhu cầu thực tế từng quận, trạm ATM oxy ở quận 8 cũng đã được tăng cường thêm số lượng bình.
Là nữ, nhưng mỗi lần nhận cuộc gọi cầu cứu, không đủ người thì Ngọc Anh tự mình vận chuyển bình oxy tới tận nhà cho người cần. Sáng sớm, cô lại lái xe đi thu lại số bình oxy đã cho mượn trước đó, rồi mang lên điểm tập kết để đổi nạp oxy. Cứ thế, Ngọc Anh bị cuốn vào công việc, không phút nghỉ ngơi.
“Mình còn phụ trách phiên chợ 0 đồng của quận nên nhiều lúc chạy bở hơi tai nhưng vào thời điểm này không còn thời gian mà so đo, tính toán, giúp được ai thì giúp, hỗ trợ thêm được một người là vui rồi. Nhưng việc tiếp tế oxy cũng khiến mình nặng lòng lắm. Có những trường hợp gọi đến đường dây nóng khi bình oxy trong kho đã hết. Sau đó, người bệnh mất, nhận cuộc gọi hay tin nhắn trách móc từ người nhà mình rất đau lòng. Chỉ ước mình có thể làm được nhiều hơn thế”, giọng cô gái trẻ chùng xuống.

Hàng chục cuộc gọi mỗi ngày, có những lúc tiếp tế kịp nhưng cũng có những lúc hết bình oxy. Ngọc Anh cũng nặng lòng, vui buồn theo từng ca bệnh

NVCC

Trạm ATM ôxy chính thức đi vào hoạt động, giao tận nhà F0 Covid-19 tại TP.HCM

Cố gắng tăng số lượng bình oxy càng nhiều càng tốt

Là người sáng lập ra mô hình này, “cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết sau hơn 10 ngày đi vào hoạt động, mỗi ngày 24 đường dây nóng ở các quận, huyện nhận hơn 1.000 cuộc gọi từ bệnh nhân, người nhà của F0 đang điều trị tại nhà. Tuy nhiên, vì số lượng bình oxy còn hạn chế (khoảng 700 bình) lại phải luân phiên bơm nạp oxy nên hiện ATM oxy mới chỉ cung cấp được khoảng 200 - 300 lượt/ngày.
“Chúng tôi đảm nhận việc trực 1 trong 24 hotline tổng đài mà đã nhận 200 - 300 cuộc/ngày. Thật buồn khi có ngày có 2 ca đã mất trước khi chúng tôi đến. Rất nặng lòng, giá như chúng tôi có thể làm nhanh hơn chút nữa. Điều này khiến chúng tôi quyết tâm tăng tốc đẩy nhanh số lượng và quá trình tiếp tế hơn nữa. Chỉ hy vọng ATM oxy sẽ đáp ứng được hết tất cả những người cần oxy gọi tới”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Hiện mô hình trạm ATM oxy được triển khai ở 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức, như vậy mỗi địa phương sẽ có một điểm tập kết bình oxy. Lực lượng thành đoàn, quận đoàn sẽ hỗ trợ tối đa trong việc vận chuyển, tiếp tế trực tiếp tới những trường hợp cần. Mô hình này còn nhận được sự hỗ trợ của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam.
Nhóm của anh Tuấn Anh đang tăng tốc nâng số lượng bình oxy lên, với mục tiêu đạt tới 3.000 bình trong một tuần tới. Để có được số lượng này, anh vừa phải đặt mua vừa kêu gọi hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng.
“Nếu đạt được 3.000 bình thì mỗi ngày chúng tôi có thể tiếp tế được khoảng 1.000 lượt cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Trong vòng một tháng tới, ATM oxy dự kiến có thể hỗ trợ 5.000 lượt/ngày trong vòng một tháng tới. Để đạt được con số này chúng tôi cần khoảng 15.000 bình oxy”, Tuấn Anh nói.

Sau hơn 10 ngày triển khai, ATM oxy nhận hàng nghìn cuộc gọi mỗi ngày

NVCC

Bản tin Covid-19 ngày 12.8: Cả nước thêm hơn 9.000 ca bệnh, chạy nước rút để sản xuất được vắc xin "made in Việt Nam" trong tháng 9

Cũng chỉ sau hơn 10 ngày hoạt động, mô hình ATM oxy càng ngày càng được kiện toàn. Bình thường người cần oxy phải gọi lên tổng đài trung tâm, rồi từ trung tâm gửi thông tin đến các quận huyện. Nếu làm theo cách này, số cuộc gọi cũng sẽ đổ dồn về trung tâm, việc xử lý thông tin có thể bị chậm đi một nhịp. ATM oxy vì thế đã tạo ra 24 đường dây nóng ở 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức đồng thời duy trì thêm 2 đường dây nóng trung tâm để đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin.
Thậm chí, ở những quận huyện có diện tích lớn, số lượng bệnh nhân nhiều thì sẽ mở thêm hotline ở các phường để người bệnh tiếp cận với mô hình này dễ nhất.
Anh Hoàng Tuấn Anh cũng cho biết, khi đã đủ bình oxy tiếp tế cho bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM anh sẽ tiếp tục triển khai mô hình ATM oxy ở Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.