Cháy nhà ra... trách nhiệm

14/10/2015 05:15 GMT+7

Tính đến vụ cháy kinh hoàng hôm 11.10, đã có 5 vụ cháy lớn xảy ra tại khu Xa La. Chủ đầu tư là Tập đoàn khách sạn Mường Thanh giờ không chỉ nổi tiếng với “nhà giá rẻ” mà còn gắn với tai tiếng về mất an toàn cháy nổ. Trả lời báo chí, lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội xác nhận tòa nhà bị cháy hôm 11.10 chưa có chứng nhận nghiệm thu an toàn PCCC, dù đã đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Tính đến vụ cháy kinh hoàng hôm 11.10, đã có 5 vụ cháy lớn xảy ra tại khu Xa La. Chủ đầu tư là Tập đoàn khách sạn Mường Thanh giờ không chỉ nổi tiếng với “nhà giá rẻ” mà còn gắn với tai tiếng về mất an toàn cháy nổ. Trả lời báo chí, lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội xác nhận tòa nhà bị cháy hôm 11.10 chưa có chứng nhận nghiệm thu an toàn PCCC, dù đã đưa vào sử dụng từ năm 2012.

Theo lý giải của cơ quan này, sở dĩ tòa nhà với hàng nghìn hộ dân đang sinh sống này chưa từng được nghiệm thu PCCC là vì thiếu các yêu cầu tối thiểu về an toàn PCCC. Và cũng theo ông Phó giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, chủ đầu tư này đã bị phạt 133 triệu đồng vì “đưa nhà vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC; Thi công lắp đặt PCCC không đúng thiết kế được cơ quan có thẩm quyền duyệt; Không trình hồ sơ để thẩm định, phê duyệt lại khi cải tạo mở rộng thay đổi tính chất sử dụng trong nhà, công trình khi thi công...” - toàn những lỗi chết người.
Đến đây thì có lẽ không một người kiên nhẫn nào có thể giữ được bình tĩnh, bức xúc vì sự bất chấp của chủ đầu tư một thì tức giận với sự thiếu trách nhiệm đến vô cảm của quản lý nhà nước mười. Đương nhiên, chủ đầu tư có lỗi khi thiết kế và thi công không đảm bảo yêu cầu về PCCC; Nhưng quản lý nhà nước đã ở đâu và làm gì trong suốt quá trình xây dựng và vận hành của dự án. Cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra (nhiều lần) và biết rất rõ tòa nhà không đảm bảo yêu cầu về PCCC - yêu cầu tối thiểu nhất để đưa một công trình vào sử dụng, nhưng lại không có bất kỳ biện pháp gì để xử lý, ngoại trừ quyết định xử phạt hành chính. 133 triệu đồng, đúng là mức rất cao trong xử phạt hành chính, nhưng nó quá nhỏ so với tiền lời mang lại từ việc ăn bớt hệ thống PCCC. Và nó càng quá nhỏ so với an toàn tính mạng hàng nghìn người dân.
Ngân sách nhà nước có thể đã thu được 133 triệu đồng tiền phạt, nhưng không ai tin, chủ đầu tư chỉ cần có thế để được “làm ngơ” mà vận hành cả một khu đô thị không có chứng nhận PCCC suốt 3 năm qua, với ít nhất 5 vụ cháy lớn.
Ở Hà Nội, người ta hay nói đến nghịch lý “đống gạch và ngôi nhà”. Người dân xếp một đống gạch ra đường, lập tức có trật tự xây dựng đến xử lý ngay, nhưng lại có thể có hàng loạt những ngôi nhà cao ngất ngưởng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép. Cụ thể gần đây nhất là vụ nhà số 8B Lê Trực. Cắt ngọn những công trình như thế này thường là giải pháp được lựa chọn khi mọi việc vỡ lở.
Nhưng cắt ngọn dù sao cũng là giải pháp rất thiệt hại, thiệt hại tiền bạc của chủ đầu tư cũng là thiệt hại cho xã hội, quan trọng hơn còn là thiệt hại về uy tín của quản lý nhà nước trong con mắt người dân. Xử lý tận gốc trách nhiệm mới là giải pháp lâu dài, cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.