'Chạy nước rút' để về đích trong 3 tháng cuối năm

02/10/2022 07:08 GMT+7

Sáng 1.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2022.

GDP tăng nhưng chưa đạt mức trước dịch

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình KT-XH tháng 9 và quý 3/2022 phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, kiểm soát tốt dịch Covid-19 trên cả nước, tỷ lệ ca chuyển nặng, tử vong rất thấp so với thế giới (0,4% so với 1,1% bình quân toàn cầu); không để dịch chồng dịch. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73% trong khi chịu sức ép lạm phát thế giới rất cao...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến

GIA HÂN

Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ, GDP 9 tháng tăng 8,83% (cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 đến nay). Trong đó, 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng trên 11%, cao nhất là Bắc Giang (23,98%), Khánh Hòa (20,48%), Cần Thơ (17,57%). Hai đầu tàu kinh tế gồm TP.HCM đạt 9,97% và Hà Nội đạt 9,69%.

Nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá tích cực, lạc quan về VN. Hãng S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của VN lên BB+ với triển vọng “ổn định”. Hãng Nikkei đánh giá Chỉ số phục hồi Covid-19 của VN tiếp tục được nâng hạng, xếp thứ 2 thế giới. VN được dự báo thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023 (Moody’s, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của VN năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%).

Dù vậy, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, sức ép lạm phát ở trong nước vẫn còn tiềm ẩn, gây nguy cơ bất ổn vĩ mô. Giải ngân đầu tư công chậm được cải thiện; việc triển khai một số chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế...

Thủ tướng đặc biệt lưu ý quý 4/2022 là thời gian “nước rút” để “về đích”. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; thực hiện đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng. Cụ thể, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh việc tiêm vắc xin; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế; khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số nơi…

Giải ngân đầu tư công là một trong những chính sách tài khóa có rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Hiện nay USD tăng giá làm giảm giá đồng tiền nhiều nước, trong đó có tiền Việt, tác động tích cực tới xuất khẩu nhưng tác động tiêu cực tới nhập khẩu. Do đó, phải đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước...

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế mặc dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng bình quân 3 năm 2020 - 2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016 - 2019 (6,88%). Các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025 (6,5 - 7%/năm).

39.552 công chức, viên chức nghỉ việc

Liên quan tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều trong đại dịch, tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều 1.10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết đây là vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Y tế, 9.397 nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc, chuyển từ khu vực công ra khu vực tư trong 1 năm rưỡi (năm 2021 và 6 tháng năm 2022).

Xác minh nguồn tiền các đối tượng trong “vùng ngắm”

Tại cuộc họp báo của Chính phủ thường kỳ tháng 9 chiều qua, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết đến nay vụ Việt Á đã khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn 28 bị can; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự 21 bị can; vụ Tân Hoàng Minh 7 bị can.

Đặc biệt, trong quá trình tố tụng, Bộ Công an rất chú trọng điều tra xác minh, làm rõ nguồn tài chính, nguồn tiền đi, đến, các tài sản của các đối tượng để phong tỏa, kê biên nhằm bảo đảm thu hồi cho người dân và nhà nước. “Ví dụ, trong vụ Tân Hoàng Minh, số tài sản được kê biên phong tỏa là 4.000 tỉ đồng, vụ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai tài sản thiệt hại 150 tỉ đồng, nhưng số tài sản các đối tượng bị kê biên lên tới 1.150 tỉ đồng”, ông Xô nói.

Báo cáo của 28 cơ quan T.Ư và 63 tỉnh, thành cho hay trong 2 năm rưỡi (từ đầu 2020 đến hết 6 tháng đầu năm 2022), có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc; tỷ lệ nghỉ việc so với tổng biên chế được giao là 0,8%, trong đó ở T.Ư chiếm 18%, địa phương là 82%. Trong 39.552 người nghỉ việc có hơn 4.000 công chức, hơn 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, ngành y tế là 12.198 người...

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho hay ngoài ngành y tế còn có ngành giáo dục cũng có tỷ lệ nghỉ việc nhiều do áp lực, thu nhập. Nguyên nhân nghỉ việc do cả khách quan, chủ quan, trong đó khu vực công - tư có sự cạnh tranh lao động; các đơn vị sự nghiệp tự chủ có chế độ ký hợp đồng nên việc ra vào khu vực công - tư là thường xuyên…

Về chủ quan, dù T.Ư, Chính phủ có nhiều nghị quyết nâng cao chế độ chính sách tiền lương, nhưng thực tế còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cuộc sống. Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan đã báo cáo Chính phủ căn cứ tốc độ tăng trưởng kinh tế, báo cáo T.Ư, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét tăng lương thế nào cho phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.