Theo thông tin từ Khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, một nam bệnh nhân (BN) 26 tuổi (ngụ Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) được chuyển viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, hai chân yếu liệt không cử động được. BN vô niệu, các xét nghiệm cho thấy BN bị suy thận cấp tính, các chất độc trong máu như ure, creatinin máu tăng cao, được chỉ định lọc máu bằng chạy thận nhân tạo để cấp cứu.
TS-BS Đặng Anh Đào, Trưởng khoa Nội thận - Nội tiết, cho biết BN có hút shisha và sử dụng bia rượu. "BN được chẩn đoán ngộ độc chất kích thích gây tổn thương thận cấp, suy thận cấp. Kèm theo đó là biểu hiện phù toàn, suy hô hấp, xuất huyết cơ đùi phải, nhiễm trùng huyết, rối loạn đông máu… BN được chạy thận nhân tạo cấp cứu qua catheter tĩnh mạch đùi, truyền dịch, lợi tiểu", BS Đào nói.
Một BN khác 27 tuổi, trước khi nhập viện 3 ngày sử dụng thuốc lá điện tử liên tục (không rõ loại) dẫn đến co giật toàn thân liên tục nhiều cơn. Mỗi cơn co giật kéo dài khoảng 5 phút, sùi bọt mép, được người nhà đưa vào BV Đà Nẵng, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. BN được chẩn đoán tổn thương thận cấp, ure và creatinin máu tăng cao, chức năng thận xấu dần và chuyển chạy thận nhân tạo, lọc máu…
"Các trường hợp suy thận cấp do ngộ độc thuốc hoặc các chất kích thích, gây nghiện… đều phải được chạy thận nhân tạo cấp cứu. Dù đã qua cơn nguy kịch, các chức năng thận cải thiện, tuy nhiên vẫn cần theo dõi định kỳ vì nguy cơ suy thận cấp tái diễn, nguy cơ bệnh thận mạn tính về sau nếu tiếp tục tái sử dụng chất kích thích", BS Đào cho biết.
Các BS chuyên khoa cho hay hiện có rất nhiều thanh niên nghiện thuốc lá điện tử, có trường hợp chỉ sử dụng vài liều đã ngộ độc, dẫn đến suy thận cấp. Tương tự, có người sử dụng shisha, nghiện ma túy… khiến cơ thể nhiễm độc cấp, nhiễm độc mạn tính. Độc tính tích tụ khiến chức năng thận suy giảm dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, chứng suy thận còn xảy ra đối với những trường hợp sử dụng thuốc trị bệnh mạn tính liều dùng không hợp lý, không theo chỉ dẫn.
"Đối với những nhóm nguy cơ như tiền sử gia đình có người bị bệnh thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, gout… thì nên đi khám sức khỏe định kỳ (1 - 2 lần/năm) với những xét nghiệm thông thường như xét nghiệm máu và nước tiểu, có thể phát hiện sớm bệnh thận để có kế hoạch quản lý, kiểm soát và điều trị lâu dài, tránh dẫn đến suy thận mạn", BS Đào tư vấn.
Dinh dưỡng cho quả thận khỏe
Ngoài việc tăng cường thể dục, vận động và kiểm soát cân nặng, để có một quả thận khỏe, cần tránh xa các chất kích thích, chất gây nghiện. Tránh tiêu thụ quá nhiều đạm động vật (tư vấn liều lượng 1 gr/kilogam cân nặng/ngày). Uống nhiều nước (2 lít/ngày/người). Chế độ ăn nhạt, giảm muối (khoảng 4 gr muối natri/ngày/người bình thường).
Cần khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt đối với BN có bệnh mạn tính và bất thường trên hệ tiết niệu. Bệnh thận âm thầm và nhiều khi không có biểu hiện nhận biết, nhưng khi phát hiện đã là giai đoạn cuối. Nhiều trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe.
Ngày thứ năm thứ 2 của tháng 3 hằng năm được chọn là Ngày Thận thế giới - World Kidney Day, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc thận. Năm nay, World Kidney Day rơi vào ngày 9.3, với thông điệp "Sức khỏe thận cho tất cả mọi người - Chuẩn bị cho những điều không mong muốn và hỗ trợ người dễ bị tổn thương".
Bình luận (0)