Chạy theo đổi mới giáo dục: Thầy trò bở hơi tai!

23/05/2017 15:28 GMT+7

Từ năm học tới, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) lại tiến hành chương trình đổi mới sách giáo khoa bậc giáo dục phổ thông.

Điều này có nghĩa là thầy và trò lại sắp sửa bước vào một cuộc chạy đua mới, hứa hẹn tốn kém nhiều năng lượng, công sức và của cải mà kết quả thì… chưa rõ thế nào!
Sở dĩ nói “chưa rõ thế nào” vì từ trước đến nay, Bộ đã nhiều lần triển khai các đề án nhưng cuối cùng chẳng đâu vào đâu, thậm chí không biết là để làm gì, ví dụ như đề án phân ban ở cấp THPT chẳng hạn. Mấy năm học bận bịu, long ngóng phân ban, rồi cuối cùng lại về điểm xuất phát.
Để phục vụ cho đề án đổi mới, những tháng hè sắp tới đây, các trường, các Sở lại phải cử giáo viên cốt cán đi tập huấn, lĩnh hội tinh thần, kế hoạch đổi mới, nắm bắt chương trình mới, sách giáo khoa mới. Sau đó, các giáo viên nói trên về sẽ tập huấn lại cho giáo viên ở nhà để triển khai trong năm học tới.
Tôi đã từng tham dự đợt tập huấn trong lần thay đổi chương trình sách giáo khoa đợt trước. Trong một thời gian ngắn, chừng một tuần, giáo viên phải lĩnh hội, sau đó về truyền đạt lại cho đồng nghiệp. Rất nhiều bất cập không được giải quyết khi người truyền đạt và người lĩnh hội đều thụ động và không có thẩm quyền điều chỉnh. Các ý kiến thắc mắc thì gửi phản hồi về Bộ, trong khi chờ điều chỉnh, thì vẫn phải thực hiện chương trình vì năm học mới đã bắt đầu.
Cảm giác vội vã, làm lấy được, không chỉ ở những lần cải cách trước đây, mà ngay cả lần này cũng vậy. Thời gian gấp rút, thay đổi đến chóng mặt, khiến cho giáo viên và học sinh chạy theo một cách thụ động. Nhiều bài học trong chương trình gây khó khăn cho việc dạy và học, nhưng không còn cách nào khác, giáo viên và học sinh cũng phải gồng lên cho hết chương trình. Và trong khi chưa có một sự đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc, thì lại tiếp tục đổi mới!
Theo tôi, trong khi Bộ GD-ĐT chưa có câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi "Đổi mới để làm gì?" thì chưa thể tránh khỏi những bất cập và thất bại.
Ngân sách bỏ ra không hề nhỏ, công sức của giáo viên và học sinh không ít, nhưng các đề án đổi mới giáo dục vẫn gây bất an, hoang mang cho xã hội.
Một năm học đã kết thúc, bây giờ là những ngày hè ngắn ngủi để giáo viên nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng để dẫn dắt học trò của mình bước vào một đợt đổi mới tiếp theo đang chờ phía trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.