Chạy theo sự vụ

19/06/2012 03:15 GMT+7

Tại cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nông sản diễn ra hôm qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng thời gian qua đã liên tiếp xảy ra các sự cố về an toàn vệ sinh nông sản nhưng đáng buồn là các cơ quan hữu trách đang bị động “chạy theo” các sự vụ.

Sau vụ các nước EU nói “không” với mật ong VN vì nhiễm Carbenzamin và đưa ra cảnh báo cấm nhập khẩu rau quả của nước ta vì nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, mới đây nhất, Nhật Bản lại cảnh báo thủy sản Việt Nam nhiễm dư lượng Ethoxyquin…

“Đúng là chưa thể biết hết các chất gây mất ATVSTP theo quy định của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, phải tham khảo thông tin từ các nước, lên danh sách và triển khai các biện pháp kiểm soát, hạn chế xảy ra sự cố chứ cứ để nay người ta đưa ra chất này, mai người ta chỉ ra chất khác khiến bộ trưởng phải giật mình là không ổn chút nào. Đừng để chúng ta - những người ngồi đây, và hàng triệu nông dân đang làm việc trên các cánh đồng bị xoay như chong chóng”, ông Phát nói.

Việc xử lý các sự cố đối với những sản phẩm của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, thời gian qua, từ  trứng gà nhiễm chất sudan, cải thảo của Trung Quốc nhiễm formaldehyde đến các loại đồ uống và bánh kẹo nhiễm DEHP…, theo ghi nhận của người viết, cơ quan chức trách nước nhà đều chỉ đưa ra cảnh báo khi có thông tin từ người dân, báo chí và hệ thống cảnh báo thực phẩm quốc tế. Và việc làm tiếp theo luôn được thực hiện là tiến hành kiểm tra xem các sản phẩm đó đang có mặt trên thị trường nội địa hay không, nếu có thì lấy mẫu, phân tích tìm dư lượng các chất này để “công bố cho người tiêu dùng không hoang mang”, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát. Sự cố mới nhất liên quan đến việc người dân Trung Quốc sử dụng túi bọc quả có chứa chất thiram và một chất khác chứa asen để trồng táo cũng đang được Cục Bảo vệ thực vật xử lý theo đúng “bài” nêu trên.

Tuy nhiên, ngay cả một khi chúng ta đã có thể “chỉ tận tay, day tận trán” các mối nguy về ATVSTP thì việc xử lý các vụ việc, sự cố cũng không được rốt ráo, liên tục và triệt để. Tình trạng sử dụng chất cấm nhóm Beta agonist trong chăn nuôi là một ví dụ điển hình. Nếu không chủ động xây dựng hệ thống cảnh báo đủ mạnh, chủ động hành động để kiểm soát và giải quyết dứt điểm các mối nguy về ATVSTP thì chắc chắn không chỉ Bộ trưởng Phát mà hàng chục triệu người tiêu dùng nước nhà cũng sẽ phải liên tục “giật mình” trước các sự cố về an toàn thực phẩm.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.