(TNO) Sáng 5.7, qua nhiều con đường ngoằn ngoèo, PV Thanh Niên Online tìm đến ấp 3 (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM), và ghi nhận nỗi sợ hãi vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt của những người may mắn thoát chết trong vụ sạt lở nghiêm trọng ở khu vực cạnh mé sông Kênh Lộ, vào khuya 4.7.
Ngay khi vừa qua phà Ba Bá, một vài người dân ở ấp 3 đã đứng chờ sẵn và đưa chúng tôi đến vị trí hai căn nhà bị sạt lở nứt toác, cạnh đìa tôm bị nước “xẻ” thành từng mảng lớn.
Hai căn nhà bị hư hại là của ông Trần Văn Lộc (46 tuổi) và chị Trần Thị Liêm (42 tuổi, cùng ngụ ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè). Thời điểm xảy ra sạt lở trong 2 căn nhà có 11 người đang ngủ nhưng rất may tất cả đều nhanh chân chạy thoát.
Theo chị Hường (46 tuổi, vợ ông Lộc), trong lúc cả nhà đang ngủ thì bỗng nghe tiếng động lớn ở phía sau nhà, rồi từng mảng đất lớn sụp xuống nước. “Lúc đó, tôi cứ tưởng đâu có người trộm ghe nên chạy ra xem thử. Ai ngờ thấy hơn 20 mét đất phía sau nhà đã thành sông. Tôi liền chạy vào nhà đánh thức mấy đứa nhỏ dậy thu dọn đồ đạc chạy ra xa. May mà nó chỉ sụp đất chứ sụp nhà thì chắc chết hết rồi”, chị Liêm kể.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, phần đất khoảng 1.000 m2 ở phía sau 2 căn nhà trên bị biến thành sông sau vụ sạt lở. Những cây dừa cao gần 10 mét chỉ lấp ló phần đọt nổi lập lờ trên mặt nước; các công trình phụ bị hư hỏng và tường của 2 căn nhà nứt toác.
Vụ sạt lở không chỉ làm hư hại 2 căn nhà trên mà còn khiến 170.000 con tôm giống vừa thả được hơn 1 tháng của gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa (67 tuổi) bị mất sạch. Không chỉ vậy, trong nỗ lực cứu đìa tôm, hai con trai của ông Nghĩa xuýt bị dòng nước cuốn đi.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Tâm (30 tuổi, con trai ông Nghĩa), vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại giấy phút mình chạy đua với tử thần. “Khoảng 23 giờ đêm thì tôi nghe mọi người hô hoán có sạt lở nên mới chạy ra tìm cách ngăn sạt lở đìa tôm. Đang đứng thì đất bỗng sụp xuống, tôi cố dùng hết sức đạp đất chạy lên bờ. Tôi cứ chạy tới đâu là đất sụp tới đó. Giờ nghĩ lại vẫn còn run”, anh Tâm kể.
Vừa đi ghe về, thấy em trai đang đứng ở đìa tôm tìm cách ngăn sạt lở, anh Nguyễn Văn Dũng (39 tuổi, anh trai Tâm) chạy ra hỗ trợ cũng bị sụp xuống nước. “Lúc đó, sụp tới đâu thì tôi moi đất tới đó cố trồi lên mặt nước. May mà mình thoát được chứ không thì bị vùi dưới nước rồi. Bao nhiêu đất đổ ập xuống dù có bơi giỏi cỡ nào cũng chết”, anh Dũng kể.
Vụ sạt lở làm toàn bộ tài sản dành dụm của gia đình anh Tâm vào đìa tôm bị mất sạch.
“Mất tôm thì mình cũng buồn nhưng mấy đứa con còn sống là vui rồi. Lúc đó, tôi ở trong nhà cứ nghĩ chắc mấy đứa con chết hết rồi. Vì phần thì đất sạt lở, phần điện chưa ngắt bị đứt rớt xuống nước. Tụi nó không bị đất vùi lấp thì cũng bị điện giật chết. May mà tụi nó không sao. Coi như của đi thay người vậy”, ông Nghĩa nói.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng địa phương có mặt ghi nhận hiện trường, hỗ trợ người dân di tản đồ đạc.
Chia tay chúng tôi, chị Liêm nói như khóc: “Giờ đất trôi hết rồi, nhà lại hư hỏng. Bên ủy ban thì kêu di dời nhưng đất đâu mà ở?”.
Một số hình ảnh PV Thanh Niên Online ghi nhận ở hiện trường
Khoảng cách sạt lở tính từ mép sông hơn 20 mét
Từng mảng đất sụp xuống "ăn sâu" vào 2 căn nhà
...và tạo hàm ếch
Phần đất gần khu vực sạt lở bị nứt toác
Một góc đìa tôm bị nước "xẻ" trong đêm
Những cây dừa cao gần 10 mét chỉ còn lấp ló phần đọt
Sạt lở "ăn" sát nhà dân
Công trình phụ rạn nứt
Tường nhà cùng bị rạn nứt
Anh Tâm may mắn sống sót trong vụ sạt lở
Bình luận (0)