Chạy tiền để không đi nghĩa vụ quân sự, tội gì?

29/12/2024 04:42 GMT+7

Nếu người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn từ 2 triệu đồng trở lên để người đó giúp không phải đi nghĩa vụ quân sự, có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự về tội đưa hối lộ.

Theo điều 4 luật Nghĩa vụ quân sự 2015, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chạy tiền để không đi nghĩa vụ quân sự, tội gì?- Ảnh 1.

Đi nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân (Ảnh minh họa)

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo đó, tất cả công dân của Việt Nam đang ở trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ học vấn hay nghề nghiệp cũng như nơi cư trú đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật Nghĩa vụ quân sự.

Công dân được gọi nhập ngũ khi có đủ các tiêu chuẩn theo điều 31 luật Nghĩa vụ quân sự 2015, gồm: có lý lịch rõ ràng; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; có trình độ văn hóa phù hợp.

Theo điều 30 luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Trường hợp công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ, thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi.

Nhiều bạn đọc thắc mắc, nếu chạy tiền để không đi nghĩa vụ quân sự, sẽ bị tội gì? Giải đáp thắc mắc này, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, trường hợp dùng tiền để nhờ người có chức vụ quyền hạn "chạy" bằng cách nào đó để không đi Nghĩa vụ quân sự thì có thể có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ theo điều 364 bộ luật Hình sự 2015.

Chạy tiền để không đi nghĩa vụ quân sự, tội gì?- Ảnh 2.

Công dân được gọi nhập ngũ phải có đủ các tiêu chuẩn theo quy định

ẢNH: NHẬT THỊNH

Cụ thể, đương sự trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho cá nhân, tổ chức hay người có chức vụ, quyền hạn bất kỳ lợi ích vật chất trị giá từ 2 triệu đồng trở lên để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của đương sự, thì có thể bị xử lý tội đưa hối lộ. Theo đó, có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và mức cao nhất là 20 năm tù.

Chạy để không đi nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt tiền, phạt tù

Luật sư Công phân tích thêm, nếu đương sự đưa tiền cho ai đó và người đó có trách nhiệm trong hoạt động chấp hành nghĩa vụ quân sự đã hướng dẫn để đương sự thực hiện các hoạt động để trốn tránh hay tạo các cản trở khách quan để người đó không thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 7 điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP, bị phạt từ 30 triệu đồng đến 75 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, người đó phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Nếu người nào không chấp hành đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì ngoài xử phạt hành chính, người trốn nghĩa vụ quân sự có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo điều 332 bộ luật Hình sự, với mức phạt tù mức cao nhất đến 5 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.