Nếu muốn biết ngay điểm khác biệt giữa Chạy trời không khỏi đau với rất nhiều cuốn tự truyện hay nhật ký khác của bác sĩ, thì bạn đọc hay để ý đến nghề nghiệp hiện tại của tác giả, và Adam Kay hiện đã từ bỏ ngành y để trở thành một biên kịch truyền hình.
Điều này có thể khiến ta hình dung được ngay nội dung chính cũng như phong cách của Chạy trời không khỏi đau: Một loạt những câu chuyện “bóc phốt” bệnh nhân, than thở về công việc, khoe khoang chiến tích, mọi thứ hoặc là được kịch tính hóa hoặc là hài hước hóa. Nhưng sau tất cả, tác giả vẫn truyền đạt được hai điều quan trọng và mạnh mẽ nhất: Nỗi đau và tình yêu, hai thứ sẽ mãi mãi không biến mất trong cuộc đời của bất cứ ai theo đuổi ngành y.
“Có Chúa chứng giám, chúng tôi thật lòng mong các thế hệ đàn em đừng bị hào quang của cái nghề này làm cho mù quáng mà cứ thế đâm đầu vào. Vì vậy, tôi đã nói sự thật với các em học sinh: những ca trực khắc nghiệt, mức lương thấp tè, điều kiện làm việc tệ lậu; các em không được đánh giá đúng khả năng, không được hỗ trợ, ít được tôn trọng, những mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng luôn rình rập xung quanh”. Những bài nhật ký trong Chạy trời không khỏi đau, có ngày dài cả trang, có ngày chỉ vỏn vẹn vài dòng, đã lột ra trần trụi những nỗi khổ mà bác sĩ phải đối mặt hàng ngày.
Câu chuyện của Adam Kay được ghi lại trong những năm anh còn làm việc cho hệ thống y tế công cộng tại Anh, và nó gần gũi với tình hình y tế tại Việt Nam hơn độc giả suy đoán rất nhiều. Giọng điệu hài hước, tếu táo của tác giả khiến ta dễ bật cười sảng khoái, nhưng rồi cũng không thể không bị ám ảnh bởi cơn ác mộng nơi phòng trực bệnh viện. Thậm chí, chỉ cần đọc đến một nửa cuốn sách thôi, không ít người sẽ phải tự hỏi vì sao các bậc làm cha làm mẹ lại có thể mỉm cười mãn nguyện khi con mình muốn làm bác sĩ? Và khi đã đọc hết cuốn sách rồi, thì chỉ riêng những mẩu chuyện cười ra nước mắt, máu, và nhiều chất bẩn khác về thời gian làm việc tại khoa Sản của Adam Kay sẽ khiến nhiều phụ nữ phải... “bỏ của chạy lấy người”.
Một điều khiến Chạy trời không khỏi đau mang lại được sức hút riêng là tác giả đặt mình trong vai chính theo dạng “phản anh hùng” (anti-hero). Adam Kay khéo léo thể hiện tài năng của mình, cũng như của các vị bác sĩ khác, như thể những siêu anh hùng nhưng mang màu sắc của Deadpool hơn là Người Nhện: “So nỗ lực với tôi thì mấy tay võ sư Thiếu Lâm chỉ thuộc hàng tép riu thôi”. Tác giả chẳng giấu diếm gì về mong muốn được nhận thêm chút tiền nong quà cáp bồi dưỡng từ bệnh nhân, hay những lần cố tình “trả thù vặt” với cái niềm hoan hỉ cỏn con của một người gần như kiệt sức. Những trang nhật ký dày đặc xuất hiện những lần nói xấu đồng nghiệp, nhưng rồi không giấu được niềm thương cảm sâu sắc dành cho những người đứng chung “chiến tuyến” với mình: “Thử hỏi, một người hoàn toàn tỉnh táo đâm đầu vào cái nghề khổ ải trăm bề này để làm gì nếu không phải vì anh ta mang trong mình lý tưởng chữa bệnh cứu người?”.
Từ trang đầu, Adam Kay đã phải giải thích rằng mình phải cố tình thay đổi một số tình tiết để không làm lộ danh tính những người được nhắc tới trong sách. Một độc giả hời hợt nào đó có thể sẽ nghĩ rằng tác giả đã vi phạm đạo đức khi lấy những chuyện đau ốm của bệnh nhân ra làm trò vui. Nhưng nếu thực sự nhạy cảm hơn, có thể bạn sẽ nhận ra rằng, tất cả sự xéo xắt, bông đùa của tác giả chỉ như một lớp đường rắc vào cho câu chuyện bi kịch ngành y bớt cay đắng. “Người ngoài nghề chẳng bao giờ hiểu được mức độ khắc nghiệt trong công việc của một bác sĩ và tác động của nó đến đời sống cá nhân”.
Những màn “bóc phốt” tưởng chừng như là nhỏ nhen, ích kỷ của Adam Kay khiến ta nghĩ có lẽ từ nay, cái nghĩ của từ “y đức” phải được mở rộng ra gấp ba lần, nó không chỉ đòi hỏi đạo đức của bác sĩ hay nhân viên y tế, mà “y đức” còn phải bao gồm đạo đức của bệnh nhân, và đạo đức của những cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ngành y. Bởi nếu “y đức” chỉ dồn lên đôi vai của bác sĩ, thì cũng như cuốn sách của Adam Kay, dù có rắc lên bao nhiêu tiếng cười thì cuối cùng nó cũng kết thúc bằng nước mắt và sự sụp đổ: “Họ đâu biết bác sĩ chỉ có một lựa chọn duy nhất là quên đi bản thân hoặc bỏ mặc bệnh nhân”.
Cũng phải nói thêm rằng, ấn bản Chạy trời không khỏi đau của Adam Kay được xuất bản tại Việt Nam ghi dấu sự nỗ lực không nhỏ của dịch giả Jo Hoàng và đội ngũ biên tập. Là một cuốn sách chuyên khoa, những trang nhật ký đôi khi dày đặc những phần chú thích, thậm chí dịch giả và ban biên tập còn phải chú thích thêm về những chú thích của tác giả. Xét cho cùng, đây là một tác phẩm hiện thực phê phán vốn không phải được xuất bản để cho các bác sĩ đọc khi hiếm hoi rảnh rỗi, mà chính là để những người hay hoạnh họe bác sĩ như chúng ta đọc để tự cười lấy thân mình, và hữu ích nhất chính là để dành tặng những học sinh cuối cấp đang có dự định theo đuổi nghề y.
Bình luận (0)