'Chế biến' kịch bản nước ngoài hợp vị người Việt

23/04/2020 06:22 GMT+7

Hai bộ phim truyền hình đang thu hút khán giả là Tình yêu và tham vọng và Nhà trọ Balanha (phát sóng trên VTV3) đều được Việt hóa từ phim truyền hình nước ngoài.

Với mỗi tập lên sóng, Nhà trọ Balanha (đạo diễn Khải Anh) đều khiến người xem cười nghiêng ngả với những câu chuyện của những con người sống trong nhà trọ Balanha. Đó là Lâm, Bách, Nhân - 3 chàng sinh viên vừa tốt nghiệp, bước vào đời với ước mơ làm được điều gì đó đặc biệt; Hân - người mẹ đơn thân không xu dính túi và đứa con mới vài tháng tuổi; Nhiên - em gái Lâm, vừa tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc, và Nhi - cô người yêu cũ vừa “đá đít” Lâm. Cuộc sống tại nhà trọ chưa khi nào “bình yên” với họ, nhưng những bạn trẻ chưa khi nào mất niềm tin vào tương lai. Cùng với những tiếng cười, Nhà trọ Balanha mang đến nhiều suy ngẫm về hành trình lập nghiệp, tình yêu lẫn sự nổi loạn, hoang mang của những người trẻ.

Chúng tôi có những tiêu chí, xu hướng riêng để chọn lựa, nhưng dù thế nào, để bộ phim thành công thì vẫn cần thêm sự may mắn

Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải

Trong khi đó, Tình yêu và tham vọng (đạo diễn Bùi Tiến Huy) tạo gay cấn và lôi kéo người xem ngay từ đầu bằng cuộc đối đầu giữa 2 tập đoàn Hoàng Thổ và Bách Hợp. Trong bối cảnh thị trường bất động sản cạnh tranh khốc liệt, Minh (Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Thổ) và Phong (Tổng giám đốc địa ốc Bách Hợp) dùng mọi biện pháp, thậm chí cả thủ đoạn, để vượt qua đối thủ. Song song với những câu chuyện thương trường khốc liệt là câu chuyện tình yêu cùng những con người trong “cuộc chiến” đó.
Điểm chung của Nhà trọ Balanha và Tình yêu và tham vọng là dựa trên format gốc của phim truyền hình nước ngoài, Welcome to Waikiki của Hàn Quốc và Thế lực cạnh tranh của Trung Quốc. Tuy nhiên, so với bản gốc, kịch bản của 2 bộ phim đã được làm mới. Chẳng hạn, Tình yêu và tham vọng khai thác đề tài kinh doanh bất động sản, trong khi bản gốc đề cập lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm. Ngoài ra, theo biên kịch Trịnh Khánh Hà, nhóm nhân vật chính Minh, Linh, Phong, Tuệ Lâm đều được làm mới, hay “phức tạp hóa” lý lịch. Chẳng hạn, Tuệ Lâm không phải là một phó tổng giám đốc công ty hồn nhiên, ngốc nghếch, thậm chí hơi vô duyên như bản gốc, mà là một nhân vật trưởng thành hơn, có chiều sâu, phức tạp trong tâm lý. Hay thêm nhân vật mới là Ánh, em gái cùng cha khác mẹ của Linh, tạo nên nhiều bi kịch cho cô... Còn với phim Nhà trọ Balanha, theo biên kịch Lại Phương Thảo, nhóm sản xuất “tham lam” nhiều hơn việc chỉ tạo nên bộ phim no nê tiếng cười, mà còn truyền đi những thông điệp để mọi người cùng suy ngẫm.

Gia giảm cho “vừa miệng”khán giả

Theo biên kịch Trịnh Khánh Hà, việc thay đổi ngành nghề của các nhân vật chính trong phim là yếu tố để nhà sản xuất đưa vào những câu chuyện gần gũi, quen thuộc với khán giả trong nước. “Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi lại làm khó mình bằng việc đổi ngành nghề trong phim. Khán giả Việt hầu hết đều ít nhiều có quan tâm, hoặc hiểu biết, thậm chí tham gia trong lĩnh vực bất động sản, nên xem một bộ phim về lĩnh vực mình có hiểu biết chút ít, sẽ không cảm thấy xa lạ, chưa kể còn có thể có thêm được câu trả lời cho những thắc mắc của mình”, Trịnh Khánh Hà lý giải.
Biên kịch Lại Phương Thảo thì cho hay Việt hóa một bộ phim ăn khách của Hàn Quốc là trải nghiệm thú vị với những thuận lợi và cả thách thức cho nhóm sáng tác. “Thuận lợi ở chỗ chúng tôi có cơ hội được nhìn trọn vẹn cả hành trình mà các nhân vật đi qua, qua đó phân tích nội dung, ưu điểm ta khai thác sâu hơn, nhược điểm ta sẽ tránh. Tuy nhiên, đó đồng thời cũng là khó khăn của công tác Việt hóa. Bởi lẽ nếu khán giả đã biết rõ điểm kết thúc, thì lý do gì khiến họ sẽ xem lại thêm một lần nữa?”, chị nói. Bởi vậy, chủ ý của ê kíp sáng tạo Nhà trọ Balanha là đưa vào những hoàn cảnh dị biệt, tình huống lạ thường, nhưng trong đó là những tâm lý quen thuộc của bạn trẻ cùng những trải nghiệm đầu đời về tình bạn, tình yêu, hành trình lập nghiệp gần gũi với khán giả Việt. Một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của Nhà trọ Balanha là tiếng cười. Người xem có thể bắt gặp những câu nói “trendy” (thức thời), hay những màn “thả thính” lầy lội, chọc ghẹo theo cách của giới trẻ Việt.
Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình VN) không phủ nhận yếu tố tạo nên thành công cao của các bộ phim mà đài chọn lựa Việt hóa (trước đó là Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng) là có kịch bản gốc tốt. Tuy nhiên theo anh, việc Việt hóa kịch bản phim nước ngoài chưa bao giờ là dễ dàng, và không phải không có rủi ro. “Chúng tôi có những tiêu chí, xu hướng riêng để chọn lựa, nhưng dù thế nào, để bộ phim thành công thì vẫn cần thêm sự may mắn”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.