Về Huế ăn chè nhâm nhi kỷ niệm
Chè Huế từ lâu trở thành như danh từ riêng khi nói đến ẩm thực ở Huế. Vị chè ở đây không ngọt gắt, đậm như các món chè miền Nam, chè Huế có vị ngọt thanh tinh tế, béo bùi vừa phải, thơm nhè nhẹ… đủ để người đi xa nhớ, người ở lại có ăn thường xuyên cũng không ngán.
|
Trên Google tìm hai chữ “chè Huế” có đến 3.520.000 kết quả trong vòng 0,52 giây. Người Huế xa quê về Huế thường tìm đến những quán như chè Hẻm (đường Hùng Vương), chè Tý (đường Trần Phú), chè Mệ Tôn Đích (trước cửa Thượng Tứ)… để “nhâm nhi kỷ niệm”.
Đó là kỷ niệm thời sinh viên hẹn hò bạn gái thay vì đi quán cà phê lại rủ nhau đi ăn chè. Kỷ niệm thời khốn khó coi chè là món ăn xa xỉ mà khi nào túi “rủng rẻng” mới dám rủ bạn bè đi ăn. Kỷ niệm những chiều “cúp cua” hùn tiền nhau vào quán chè Hẻm ăn chén chè nóng.
|
Đó là những quán của ngày xưa, nay với khách du lịch, người Huế hay giới thiệu chè 20 món nằm rải rác trong thành phố, nhiều quán lên cả trên trang web về ẩm thực khiến khách du lịch đến Huế biết tìm đến trước cả người Huế.
Ngay trước đình Thương Bạc (đối diện cửa Thượng Tứ) nằm trên đường Trần Hưng Đạo, có tủ chè Ngọc Hiền ghi bảng 20 món, nhưng theo chàng trai tên Đỏ đang múc chè bán cho khách thì có hôm nấu lên đến 25 món, tùy “hứng”. Tủ chè này cũng là nghề gia truyền từ đời mẹ sang các con.
|
|
Đỏ cho biết gia đình có 5 người con thì hết 4 người theo nghề của mẹ. Đưa tay chỉ sang bên kia đường, phía phải rạp Trần Hưng Đạo, Đỏ nói quán chè hơn 20 năm của mẹ vẫn còn đó, nay mấy anh chị trong nhà bán.
|
|
Một ly chè bán cho khách không phân biệt dân địa phương hay du lịch với giá 10.000 đồng/ly. Mỗi ngày Đỏ cho biết bán được cả 1.000 ly, có hôm Tết số lượng bán còn cao hơn con số đó.
Hiện người phục vụ cho quán là toàn chị em trong nhà thay nhau xếp ghế, múc, bưng cho khách. Tính ra, tủ chè 20 món này có thể mang lại thu nhập gần 10 triệu đồng/ ngày cho chủ nhân của nó. Tính vốn liếng bỏ ra hơn một nửa thì tiền lãi của mấy chị em nhà Đỏ thu về cũng tầm 4-5 triệu đồng.
|
|
|
Ai đã từng ăn chè bột lọc thịt heo quay?
Huế có nhiều món chè được chế biến từ đậu: đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, bông cau, đậu ngự, đậu ván, đậu quyên…Ngoài ra, nổi tiếng loạt các loại chè bắp cồn, chè khoai tía (người miền Nam gọi là khoai mỡ), khoai môn, khoai sọ, chè kê, chè hạt é, hạt sen, chè chuối, chè bột lọc bọc dừa, bọc đậu phộng…
Các quán chè thường bán ly chỉ có 4 viên bột lọc bọc thịt quay lõng bõng giá 10.000 đồng/ ly. Muốn ăn cho đã, chắc phải thưởng thức từ 2 ly như vậy trở lên.
Thưởng thức món chè này, thực khách cảm nhận được vị mằn mặn của thịt heo quay xen lẫn vị béo và dai của bột lọc, vị ngọt của nước đường, rất lạ miệng.
Tuy nhiên, đây cũng là món không dễ ăn đối với những ai… khó khăn trong ẩm thực. Tuy nhiên, một lời khuyên cho du khách là nên thử món chè bột lọc bọc thịt quay ở Huế một lần để cảm nhận vị béo, bùi, ngọt, mặn pha lẫn thế nào.
Theo các tư liệu về văn hóa Huế thì món chè là sự kết hợp nghệ thuật chế biến của người Chăm và đất Phú Xuân triều Nguyễn. Trong món ẩm thực này, thường hội đủ ngũ sắc, ngũ vị đặc trưng. Thế nên, việc sáng tạo nên món chè bột lọc bọc thịt heo quay cũng có thể từ công thức ngũ vị đó.
|
Trong xã hội phát triển cổ xúy cho ẩm thực xanh, organic, bio… thì một món ăn chứa toàn vị ngọt và tinh bột như chè thường bị xếp vào “kẻ thù” cho những ai sợ béo. Nhưng với ly chè ngọt thanh, nhỏ chỉ múc vài muỗng là hết vẫn là món ăn được yêu thích của nhiều người đến Huế.
Bình luận (0)