|
Đêm nào có trâu đạp lúa là đêm đó mẹ thường chuẩn bị, khi là nồi khoai lang, lúc thì nồi chè nếp để cả nhà ăn cho ấm bụng. Chè nếp là loại chè mang hương vị cây nhà lá vườn. Trước khi sửa soạn nấu chè, mẹ dùng 3 viên gạch xếp thành hình ông kiềng (ông Táo), một vài lon nếp, vài bát đường đen và ít củ gừng tươi đào sau nhà. Đầu tiên, mẹ lấy nồi bắc lên cái bếp “dã chiến” đặt ở cuối sân và cho nước lạnh vào đun, khi nước vừa ấm, cho nếp đã vo sạch vào. Lúc này, lũ trẻ chúng tôi thường có nhiệm vụ ngồi canh chừng lửa. Khoảng nửa giờ sau, mẹ vớt vài hột nếp đưa vào miệng nhấm nháp, khi thấy nếp mềm, mẹ lấy đường bát (còn gọi là đường đen) chặt ra từng miếng nhỏ trút vào nồi và tiếp tục đun giữ lửa liu riu cho đến khi nước trong nồi sánh lại, rồi sau đó đập dập vài củ gừng thêm vào nồi đậy nắp lại và tắt bếp. Chè nấu xong, mẹ dùng bát múc hết chè ra đặt vào cái nia trên chiếc chõng tre, cả nhà quây quần lại xì xụp húp chè. Mùi chè và mùi thơm của gừng hòa quyện trong gió, tan dần nơi đầu lưỡi tạo cảm giác thích thú vô cùng.
Lớn lên sống xa nhà, mỗi lần về quê tuy không đúng vào những ngày mùa, tôi vẫn được mẹ nấu cho những bát chè nếp ngát hương thơm của những ngày xa xưa ấy...
Hòa Nhơn
Bình luận (0)