'Chẻ nhỏ' bất động sản cho hàng trăm người mua chung?

31/08/2021 13:21 GMT+7

Thay vì phải bỏ nhiều tỉ đồng để mua nguyên cả một bất động sản, thì giờ đây, chỉ cần vài triệu đồng khách hàng có thể làm chủ một phần bất động sản có giá trị lên đến vài chục tỉ đồng.

Bán bất động sản bằng công nghệ blockchain

Gần đây, nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản cho ra đời các ứng dụng mua bán trực tuyến (app). Theo đó, nhiều nhà đầu tư có thể cùng kết nối, mua chung một căn hộ, nền đất tiền tỉ khi chỉ cần vài triệu đồng bằng công nghệ blockchain.
Công ty Moonka, tiên phong trong việc đưa bất động sản vào mua bán trên nền tảng công nghệ cho biết, công ty cũng như một sàn giao dịch bất động sản liên kết giữa người bán và người mua. Khi các bất động sản được chủ đất ký gửi, Công ty Moonka sẽ đi tìm các nhà đầu tư để mua chung 1 bất động sản. Ví dụ, một bất động sản 3 tỉ đồng có thể chia thành 1.000 phần, mỗi phần 3 triệu đồng. Khách hàng có thể mua 1 hoặc hoặc nhiều phần và khi đó họ có thể sở hữu một phần của bất động sản tiền tỉ. Khi mua chung, các nhà đầu tư có thể bán lại “cổ phần” lại cho nhau nếu muốn chốt lời. Sổ đỏ sẽ được Moonka nắm giữ 24/24 tại văn phòng của công ty và các nhà đầu tư có thể xem sổ đỏ miếng đất bất kỳ lúc nào. Khi đã “chốt” mua, khách hàng sẽ được cấp một tài khoản để quản lý, theo dõi khoản đầu tư của mình.
“Các bất động sản của công ty bán đều được thẩm định kỹ về giá bán và pháp lý. Mô hình của chúng tôi là khách mua sẽ chia sẻ cơ hội đầu tư cùng khách hàng khác bằng hình thức mua chung, đầu tư chung căn hộ hoặc nền đất. Tất cả các bất động sản đều có sổ đỏ. Nếu muốn chuyển nhượng bất động sản mua chung thì phải được sự đồng ý của tất cả nhà đầu tư đại diện cho trên 51% số phần. Còn nếu không có thể bán phần của mình cho các nhà đầu tư bất kỳ khác”, ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty Mooka cho hay.

Hình thức mua chung bất động sản được đánh giá là xu thế trong tương lai

Ảnh: Đình Sơn

Một tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM cho biết cũng sắp triển khai bán hàng bằng hình thức mua chung này. Các nhà đầu tư bất động sản có thể cùng nhau góp tiền mua các sản phẩm của công ty, thậm chí có thể “cổ phần” chung với nhân viên kinh doanh của công ty để cùng mua chung một căn hộ, nền đất… “Chúng tôi thấy được nhiều nhân viên kinh doanh của công ty dù thấy sản phẩm của mình tốt, muốn đầu tư nhưng không có tiền, nên chúng tôi đã tạo ra nền tảng bán hàng mới bằng công nghệ blockchain để các khách hàng ít tiền có thể mua chung với nhau hoặc nhân viên kinh doanh có thể mua chung với khách hàng, từ đó khách hàng yên tâm hơn để xuống tiền”, lãnh đạo tập đoàn này cho hay.
Mới đây, tại một ứng dụng fintech mua chung bất động sản cũng đã đưa ra gói đầu tư sản phẩm căn hộ chung cư với 2 lựa chọn. Thứ nhất, nhà đầu tư có thể bán lại khoản đầu tư cho đơn vị, nhận gốc và lợi nhuận tối thiểu 15%. Thứ hai, nhà đầu tư có thể chọn biểu quyết để bán căn hộ, nhận về lợi nhuận và vốn gốc. “Vào cuối kỳ hạn, nhà đầu tư có thể lựa chọn chốt lời qua hai hình thức hoặc là bán lại suất đầu tư này để thu về vốn gốc và lợi nhuận tối thiểu đã cam kết hoặc là biểu quyết bán căn hộ ra thị trường để thu về vốn gốc, lợi nhuận cố định và lợi nhuận từ việc bán bất động sản trong thời gian quy định”, một nhân viên kinh doanh của sàn này cho hay.
Trước đó, một nền tảng công nghệ đầu tư chung bất động sản khác chỉ đưa ra mức vốn đầu tư tối thiểu từ một triệu đồng. Theo đó, một dự án bất động sản hoặc một tài sản được chia nhỏ làm nhiều phần để nhiều nhà đầu tư tham gia. Nhà đầu tư có thể góp vốn để cùng mua chung, đầu tư bất động sản từ một triệu đồng cho đến hàng chục tỉ đồng, tuỳ vào năng lực tài chính của mình bằng cách mua các chứng từ có giá của dự án mình quan tâm. Nền tảng này cũng thực hiện kết nối các nhu cầu mua và nhu cầu bán của các nhà đầu tư với nhau.

Chứng khoán hóa bất động sản

Dù có nhiều app nhưng nhìn chung, hình thức mua chung bất động sản trên nền tảng trực tuyến hầu như đều đi theo cách nhà đầu tư tạo tài khoản trên nền tảng trực tuyến, chọn bất động sản muốn đầu tư, nạp tiền qua ngân hàng, theo dõi tiến độ dự án mình quan tâm và giao dịch.
Nói về hình thức chia nhỏ bất động sản để huy động vốn này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết từ năm 2018, HoREA đã đưa ra gợi ý Việt Nam có thể học hỏi mô hình mã hóa tài sản bằng công nghệ blockchain để mời gọi vốn kiểu mới.
Theo quan điểm của HoREA, mô hình chia nhỏ tài sản để mời gọi đầu tư tại Việt Nam nên được nghiên cứu theo hướng “chứng khoán hóa bất động sản”. Cách làm là mã hóa giá trị nhà đất bằng công nghệ Blockchain và sử dụng mã Token (chữ ký số được mã hóa) để tiến hành giao dịch gọi vốn.
Ông Châu cho rằng, đây là mô hình đầu tư mới có phương thức hoạt động gần tương đồng với Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) áp dụng công nghệ Blockchain vào lĩnh vực bất động sản. Có thể xem cách làm này là một giải pháp bổ sung và có triển vọng thay thế cho các phương pháp đầu tư bất động sản truyền thống.

Tuy nhiên, hình thức mua bán này được khuyến cáo nên đưa vào luật để hạn chế rủi ro cho khách hàng

Ảnh: Đình Sơn

Nếu đảm bảo được các yếu tố pháp lý và công nghệ, cách làm này có thể giúp thị trường gọi vốn linh hoạt hơn trước đây. Tuy nhiên, cũng có không ít cảnh báo rủi ro khi đưa đưa thị trường bất động sản vào một môi trường kinh doanh mới.
“Về lâu dài cần hoàn thiện các cơ chế để loại hình này phát triển phù hợp với đà phát triển của công nghệ và các loại hình đầu tư gắn liền với thị trường chứng khoán, đồng thời đề phòng nguy cơ lừa đảo theo kiểu đa cấp”, ông Châu cảnh báo.
Tổng giám đốc Công ty Adamas Investment Hồ Vân Long cũng cho rằng hình thức này ở Việt Nam là mới nhưng ở nước ngoài đã triển khai từ rất lâu và được những nhà đầu tư có ít tiền nhàn rỗi quan tâm. Trong lúc các nơi đang phong toả, khách hàng, nhà đầu tư không thể đến tận nơi xem dự án mình mua mua thì đây là một giải pháp tốt. Đây cũng sẽ là xu thế về kinh doanh bất động sản trong tương lai cùng với kênh bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, cũng như tiền ảo, các nhà đầu tư cũng nên chọn những đơn vị uy tín để “xuống tiền”. Nhưng để hình thức đầu tư này an toàn, nhà nước cần sớm đưa vào luật để quản lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.