'Chê' sinh con ở trạm y tế

16/12/2013 08:35 GMT+7

Trong khi Bệnh viện phụ sản Hải Phòng luôn quá tải thì các trạm y tế xã , phường lại vắng sản phụ đến sinh con, có trạm cả năm không có ca sinh nào.

 Trạm y tế
Y sĩ Vũ Thị Tuyết phải chuyển sang quản lý dược vì trạm ít ca đỡ đẻ - Ảnh: Bùi Hương

Theo Sở Y tế Hải Phòng, năm 2012, thành phố này có 29.655 ca sinh, trong đó, Bệnh viện phụ sản Hải Phòng chiếm gần 80%, các bệnh viện quận, huyện chiếm khoảng 18%. Ca sinh tại trạm y tế xã, phường chỉ chiếm khoảng 2% với khoảng 1.000 ca. Hải Phòng có 228 trạm y tế xã, phường nên trung bình mỗi trạm đỡ khoảng 4 ca mỗi năm.

Khả quan nhất là trạm y tế xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, năm 2012 có 10 ca. Trong nội thành, người dân đến Bệnh viện phụ sản, bệnh viện quận để sinh con nên các trạm y tế phường lại vắng. Có những trạm cả năm không có ca nào như ở phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền. 

Theo cơ quan chức năng, trạm y tế xã, phường được khám, quản lý thai và đỡ đẻ cho những ca sinh thường. Gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu, cơ bản tại mỗi trạm y tế gồm 5 loại dịch vụ: đỡ đẻ thường ngôi chỏm; xử trí tích cực giai đoạn ba chuyển dạ; kiểm soát tử cung; bóc rau nhân tạo khi băng huyết và tiêm truyền thuốc chống co giật.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế, chỉ có 65% số trạm cung cấp đủ 5 gói dịch vụ cấp cứu sản khoa, dù 199/223 trạm y tế (89,23%) của thành phố đã đạt chuẩn quốc gia. Bác sĩ Đỗ Đăng Khiển, Trưởng trạm y tế xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, thừa nhận: “Các gói dịch vụ này đáp ứng ca sinh thường mà chủ yếu là sinh dễ. Còn nếu có tai biến, trạm không thể xử lý kịp vì không đủ trang thiết bị và chuyên môn”.

Tại Hải Phòng, chưa có trạm y tế nào có bác sĩ sản khoa. Việc đỡ đẻ tại các trạm y tế chủ yếu do các nữ hộ sinh thực hiện. “Do chuyên môn và thiết bị còn hạn chế nên việc bảo đảm an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh khi đỡ đẻ tại trạm là rất khó khăn. Chúng tôi đã đạt chuẩn quốc gia nhưng cũng không dám đỡ những ca khó mà khuyên các sản phụ đến bệnh viện lớn”, bác sĩ Vũ Văn Nội, Trưởng trạm y tế xã Quốc Tuấn kể trên cho biết.

Anh Vũ Trọng Hòa, ở thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy, cho biết: từ khi vợ mang thai, anh đã chọn Bệnh viện phụ sản Hải Phòng cho vợ lâm bồn. Đó là một quyết định sáng suốt vì vợ anh sau đó phải mổ đẻ, dù được chẩn đoán sẽ sinh thường. “Nếu ở tuyến dưới, tôi không dám tin vợ con mình liệu có qua nổi hay không”, anh Hoà nói.

Cũng như trường hợp của anh Hòa, vợ chồng chị Đào Thủy Nhung ở phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An cũng chọn bệnh viện tuyến cuối của thành phố. Mẹ đẻ chị lo lắng: “Tôi không an tâm cho con gái sinh ở trạm y tế phường bởi dù gì con đầu nên cẩn thận để đảm bảo, vả lại phần lớn hiện nay việc có con của giới trẻ hay gặp trở ngại, không như thời xưa. Giờ có ai chọn trạm y tế phường, xã để sinh con nữa đâu”. 

Y sĩ Vũ Thị Tuyết, hộ sinh Trạm y tế xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, làm nghề đỡ đẻ 20 năm nay, nhưng từ năm ngoái chị phải chuyển sang làm công việc quản lý dược của trạm. Chị cho biết: hiện nay điều kiện kinh tế khá hơn, trong khi mỗi gia đình chỉ đẻ một đến hai con, nuôi con cũng khó khăn nên họ sẵn sàng chi phí để có các điều kiện, dịch vụ sản khoa tốt nhất.

“Giờ sinh ở trạm ít lắm. Những ca sinh tại trạm thường là sinh con rạ, sinh dễ hoặc không kịp đi viện. Vài tháng mới có một ca, dần dần những bà đỡ như tôi có khi quên mất nghề rồi nên cũng chẳng dám đỡ nữa vì nhỡ có chuyện không may thì khổ”, chị Tuyết nói.

Bùi Hương

>> Trạm y tế “chết yểu”
>> Sinh tại trạm y tế, chết cả mẹ lẫn con 
>> Một cháu bé tử vong sau khi uống thuốc do trạm y tế xã cấp
>> Trạm y tế hơn 1,8 tỉ đồng bị… từ chối !
>> Làm rõ nguyên nhân vụ cả mẹ lẫn con tử vong ở trạm y tế
>> Bình Định đãi ngộ bác sĩ công tác tại các trạm y tế
>> Trạm y tế bị lãng quên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.